Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành trì cuối cùng sụp đổ, bại binh IS chui khỏi đường hầm xin hàng

Nhiều chiến binh IS ngày 24/3 tiếp tục rời khỏi hệ thống đường hầm ở Baghouz để xin hàng. Dù nhóm đã mất thành trì cuối cùng, những mối đe dọa trong tương lai vẫn chưa hết.

Phóng viên của hãng AFP ghi nhận các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối tuần qua dần rời khỏi hệ thống đường hầm tại Baghouz để đầu hàng lực lượng vũ trang do Mỹ hỗ trợ tại miền đông Syria.

Trước đó một ngày, nhóm vũ trang Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tuyên bố tổ chức khủng bố đã bị tiêu diệt. Dù đã giành lại được thành trì cuối cùng của IS, lực lượng dân quân người Kurd vẫn lo ngại hàng nghìn tay súng cực đoan mà họ đang giam giữ có thể trở thành "quả bom nổ chậm" cho an ninh khu vực nếu không được cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết.

phien quan IS dau hang anh 1
Một tay súng người Kurd tuần tra trên tuyến đường ở Baghouz ngày 23/3, sau khi SDF tuyên bố đã tái chiếm xong thành trì cuối cùng của IS. Ảnh: AFP.

Những chiến binh còn ẩn náu

Phóng viên AFP ngày 24/3 nhìn thấy hàng chục tay súng, đa số là nam giới, chuẩn bị rời khỏi các khu trại thánh chiến ở Baghouz.

Nhiều người để râu rậm, mặc áo khoác kaftan cùng áo thụng tối màu hay choàng khăn rằn che mặt. Họ tập trung lên xe tải dưới trời mưa phùn, chuẩn bị tiến về khu vực tập kết mà SDF quy định.

"Họ là các tay súng IS vừa chui khỏi đường hầm để đầu hàng trong hôm nay", Jiaker Amed, người phát ngôn lực lượng dân quân người Kurd, xác nhận.

"Một số có thể còn đang ẩn náu trong những đường hầm tại đây", ông cho biết.

Vùng lãnh thổ cuối cùng bị IS kiểm soát gần biên giới Iraq được tái chiếm vào ngày 23/3. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã phản hồi tích cực trước thông báo của SDF. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd vẫn lo ngại nhóm tù binh IS có thể là mối đe dọa về dài hạn.

"Hàng nghìn chiến binh, phụ nữ và trẻ em từ hơn 54 nước, chưa tính đến các chiến binh người Iraq và Syria, đang trở thành gánh nặng và mối đe dọa nghiêm trọng đối với chúng tôi và cộng đồng quốc tế", ông Abdel Karim Omar, quan chức đối ngoại của SDF, cho biết.

Ông cũng cảnh báo vẫn còn mối đe dọa đáng kể từ những ổ khủng bố đang ẩn náu. Lực lượng vũ trang với quân chủ lực là người Kurd sẽ tiếp tục truy quét phần tử thánh chiến IS còn trong khu vực, đồng thời truy tìm những kho vũ khí của nhóm khủng bố.

"Chiến dịch dọn dẹp này sẽ được tiến hành kỹ lưỡng và cẩn thận, giúp đảm bảo an ninh dài hạn cho khu vực", SDF thông báo trên Twitter.

phien quan IS dau hang anh 2
Ngoài các tay súng cực đoan IS, lực lượng SDF còn tiếp nhận và tạm giữ hàng chục nghìn thân nhân của các phần tử khủng bố tại Syria. Ảnh: AFP.

Khủng bố tương lai

Trong nhiều tháng SDF tiến đánh thành trì cuối của của IS tại thung lũng Euphrates, các chiến binh cùng gia đình đã tập trung về thị trấn Baghouz.

Trong khi một số người tẩu thoát thành công, nhiều tay súng nước ngoài đã quyết định bám trụ tại Baghouz. Có nhóm thì chấp nhận đầu hàng, còn có nhóm chọn con đường chiến đấu tới chết.

Theo thống kê của SDF, khoảng 66.000 người đã rời khỏi ổ kháng cự cuối cùng của IS tính từ tháng 1/2019, trong đó gồm khoảng 5.000 tay súng cùng 24.000 người là thân nhân họ.

Chiến dịch tái chiếm Baghouz đã có nhiều đợt ngừng bắn để các đoàn tị nạn rời đi. Trong vài tuần qua, SDF phải rà soát dòng người đổ khỏi thị trấn, bắt giữ nhiều người họ nghi là tay súng IS trà trộn để thoát thân.

Dân thường lẫn người thân của những phần tử cực đoan IS được chuyển đến các trại tập trung ở phía bắc Syria. Đa phần được đưa đến trại Al-Hol. Cơ sở này có thiết kế ban đầu đủ để tiếp nhận 20.000 người nhưng nay đã có hơn 72.000 cư dân.

Chính quyền người Kurd cảnh báo họ thậm chí không có đủ năng lực để giữ số lượng lớn như vậy, chưa tính đến việc tổ chức tòa án xét xử các nghi phạm.

phien quan IS dau hang anh 3
Các tay súng IS đầu hàng được đưa lên xe tải di chuyển khỏi Baghouz. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, những nước có công dân tham gia IS lại chần chừ hoặc không muốn tiếp nhận các nghi phạm. Chính phủ các nước này lo ngại rủi ro an ninh cũng như phản ứng tiêu cực từ dư luận. Nhiều thành viên IS người nước ngoài tại Syria đã bị tước quốc tịch.

"Chúng tôi và cộng đồng quốc tế đã phối hợp tình cách giải quyết mối đe dọa này. Vẫn còn hàng nghìn trẻ em từng được nuôi dạy bằng hệ tư tưởng của IS", Abdel Kari Omar cho biết.

"Nếu các em không được giáo dục lại và tái hòa nhập vào xã hội, chúng có thể trở thành khủng bố trong tương lai", ông cảnh báo

Giai đoạn mới

Mazloum Kobane, chỉ huy hàng đầu của lực lượng SDF, hôm 23/3 tuyên bố chiến dịch chống khủng bố IS đang bước vào một giai đoạn mới.

Mục tiêu hiện nay của lực lượng là truy quét những ổ cực đoan còn đang ẩn náu của nhóm khủng bố. Ông cho biết các nhóm này vẫn là "mối đe dọa đáng kể đối với khu vực và thế giới".

SDF trong thời gian qua nhận sự hỗ trợ chủ yếu từ lực lượng liên quân chống IS do Mỹ khởi xướng và dẫn đầu từ giữa năm 2014. Chiến lược không kích nhắm vào các cứ điểm then chốt của IS đã san phẳng nhiều thành phố, góp phần gây nên làn sóng người tị nạn lớn nhất thể giới kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Theo tổ chức phi chính phủ Airwars, các chiến dịch không kích của liên quân trong hơn bốn năm qua đã gây nên cái chết cho ít nhất 7.500 dân thường vô tội. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết những xung đột trong 8 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 370.000 người.

phien quan IS dau hang anh 4
SDF tuyên bố đã tái chiếm thành trì cuối cùng của tổ chức khủng bố IS tại Baghouz. Ảnh: AFP.

Cuối năm 2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cắt giảm đáng kể hiện diện quân sự Mỹ tại Syria một khi tổ chức khủng bố IS bị đánh bại.

Nhiều chuyên gia cảnh báo động thái này sẽ khiến lực lượng người Kurd rơi vào tình thế bị đe dọa cùng lúc bởi quân chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al Assad và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara xem SDF là một tổ chức khủng bố có quan hệ với những nhóm ly khai người Kurd.

Theo ông Abdel Karim Omar, các chiến dịch quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ sang phần lãnh thổ Syria do người Kurd kiểm soát có thể tạo điều kiện cho hàng nghìn tù binh cực đoan vượt ngục hàng loạt, đồng thời kích hoạt các ổ thánh chiến còn đang ẩn mình của IS.

"Mọi mối đe dọa mới hay cuộc chiến mới đều mở ra cơ hội để bọn tội phạm này quay trở lại", ông cho biết.

Chiến đấu cơ Su-35S của Nga bay trên bầu trời Syria Su-35S thường hộ tống máy bay tấn công của Nga trong các chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Những hình ảnh này được quay qua cửa sổ máy bay của bộ trưởng quốc phòng Nga.

Ngôi làng IS cuối cùng và sự sụp đổ của 'đế chế' một thời

Liên minh do Mỹ hậu thuẫn đã đánh bại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối cùng tại Iraq và Syria, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhóm vẫn có dấu hiệu hồi sinh.

TT Trump tuyên bố tiêu diệt hoàn toàn IS 'trong đêm nay'

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sắp bị đánh bại hoàn toàn ở Syria, nhưng cho biết Mỹ sẽ giữ 400 binh sĩ vô thời hạn trên lãnh thổ nước này.

Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm