Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã ký văn bản chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) kiểm tra, đánh giá, phân tích nguyên nhân làm gãy, đổ cột điện trong bão số 5 vừa qua.
Công văn nêu bão số 5 (đổ bộ hôm 18/9) đi vào đất liền ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, gây hư hỏng cột, làm gián đoạn việc cung cấp điện ở nhiều khu vực.
Lộ diện 3 công ty sản xuất cột điện
Sau sự việc xảy ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu EVNCPC so sánh cột bê tông ly tâm áp dụng theo TCVN 5847:2016 với các trụ truyền thống đã đầu tư trước đây.
EVNCPC báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp phòng, chống bão cho các tuyến cột hiện hữu và xây mới.
Đại diện EVNCPC cho biết các đơn vị liên quan đã rà soát từ khâu thiết kế, thi công, chất lượng vật tư, thiết bị của những cột điện bị gãy. Qua rà soát, cột điện được thiết kế, sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Cũng theo EVNCPC, có ít nhất 3 đơn vị trúng thầu sản xuất cột điện, gồm: Công ty TNHH Tư vấn và Xây lắp 504, Công ty TNHH MTV Xây dựng 384, Công ty CP Xây lắp điện Quảng Nam…
Tuy nhiên, đơn vị này chưa xác định được những cột bị gãy do công ty nào sản xuất vì vụ việc đang trong quá trình kiểm tra.
Cột điện gãy có thể do chất lượng kém?
Ông Nguyễn Phúc Bình, nguyên cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói chưa thể khẳng định nguyên nhân làm cột điện ở Huế bị gãy.
"Bây giờ các đơn vị chức năng cũng đang tìm hiểu nên tôi không khẳng định cột điện có đảm bảo chất lượng hay không", ông Bình nói và cho biết nếu dư luận cho rằng cột điện kém chất lượng thì kiểm tra lại quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cột điện gãy có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó có thể do chất lượng kém. "Tôi lấy ví dụ, nếu thiết kế cột điện 12 cây thép nhưng nhà sản xuất chỉ làm cốt 6 hoặc 8 thanh với kích thước nhỏ hơn thì không đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật", ông Bình nói.
Theo chuyên gia này, quá trình lựa chọn vật liệu như cát, sỏi... đúc cột bê tông không đảm bảo cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc cột điện gãy.
Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế mới dựng cột mới để thay thế trụ điện bị gãy. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
“Nếu nói cột gãy do bê tông không đạt cường độ thì cần phải cắt, ép mẫu xem đảm bảo cường độ chịu nén tốt hay không. Để biết được nguyên nhân chính xác thì cần phải có hội đồng chuyên gia phân tích, đánh giá”, ông Bình nói.
Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng bê tông, cốt thép và tham gia giám sát các công trình điện, giám đốc một công ty xây dựng ở Thừa Thiên - Huế nói tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2016 có những quy định rất nghiêm.
"Tuy nhiên, vấn đề là người ta thực hiện đúng chuẩn đó hay không. Cơ quan chức năng có đến đơn vị sản xuất kiểm tra xem họ sản xuất cột điện đúng theo TCVN 5847:2016 không? Điều này cần thanh tra toàn diện thì mới biết được", người này nói.
Trở lại câu chuyện hàng trăm cột điện bị gãy, vị giám đốc nhận định khả năng có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, khi bão vào, gió lớn sẽ làm cây xanh đổ, đè lên dây điện, tạo thành lực kéo vào hướng bất lợi, phá vỡ thế cân bằng gây gãy trụ điện. Thứ hai, ngoài dây điện còn có nhiều loại cáp khác nên làm lệch tâm của trụ. Khi gặp gió giật ở cấp lớn thì cột điện sẽ gãy, nghiêng, đổ.
Nói về quy trình sản xuất cột điện bê tông ly tâm, vị chuyên gia này cho biết thêm nếu đơn vị sản xuất làm không cẩn thận sẽ bị lỗi bê tông. Trong đó, thời gian sản xuất cột là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng.
Nhiều loại dây quấn trên trụ điện. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
“Nếu bê tông chưa đủ ngày mà đơn vị sản xuất cho cẩu, di chuyển thì sẽ gây những vết nứt bên trong cột. Những lỗi này rất khó phát hiện nhưng khi gió bão tác động lên thì sẽ làm gãy cột”, vị giám đốc phân tích.
“Việc hàng trăm cột điện gãy, đổ bất thường chứng tỏ công tác sản xuất trụ có trục trặc ở khâu nào đó. Quan sát những cột gãy, tôi thấy có hiện tượng phân tầng của cát, đá, xi măng. Điều này cần phải có sự thanh tra toàn diện mới biết chính xác”, vị chuyên gia cho hay.
Một giảng viên Đại học Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết nên có hội đồng chuyên môn, chuyên kiểm định chất lượng công trình xây dựng vào cuộc, đánh giá về kết cấu những cột điện bị gãy.
Hội đồng chuyên môn độc lập vào cuộc thử nghiệm xem những cột điện đó chịu được sức gió bao nhiêu. Cột bị gãy thì phải có nguyên nhân nào đó, có thể do kỹ thuật.
616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, 272 cột điện bị gãy khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Nhiều người quan tâm đến trách nhiệm của ngành điện lực khi cột điện được thiết kế chịu được gió giật trên cấp 12 nhưng đã gãy, đổ khi bão đổ bộ với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11.