Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, dự án khoáng sản Núi Pháo được Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do vậy, Bộ này sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc. |
"Việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước", Bộ trưởng nhấn mạnh,
Nói về lý do thanh tra dự án này, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tháng 6/2016, người dân xã Hà Thượng (Đại Từ, Thái Nguyên) đã khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối trước tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án khoáng sản Núi Pháo.
Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn số 147/BC-UBND báo cáo về quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của Cty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân khu vực xã Hà Thượng.
Cùng ngày 14/7, Bộ TN&MT có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, đẩy nhanh tiến độ thanh tra về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu tháng 8/2016.
Theo Bộ trưởng Dũng, qua thanh tra, Bộ TN&MT sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật.
"Nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân", ông Dũng thông tin.
Trước đó, Bộ TN&MT thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của công ty Núi Pháo bắt đầu từ đầu tháng 8/2016. Nội dung thanh tra bao gồm: bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.
Trên cơ sở kết luận của Đoàn thanh tra, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ yêu cầu công ty Núi Pháo thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục các vấn đề môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của công ty gây ra.
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng yêu cầu công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra; báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định.
Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo nằm trên diện tích hơn 9 km2 thuộc địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng đa kim gồm: vonfram, florit, bismut và đồng.
Đây là một trong những dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam. Masan Resources đã đầu tư trên 500 triệu USD đưa dự án Núi Pháo. Để thực hiện dự án, cần thu hồi đất từ khoảng 3.000 hộ dân.
Trữ lượng quặng ở Núi Pháo có thể cho phép duy trì khai thác trong khoảng 16 năm. Mỗi năm, sản lượng Vonfram do mỏ này sản xuất ra có thể chiếm khoảng gần 7% tổng sản lượng Vonfram toàn cầu. Con số này đối với Florit và Bismut là 3% và 12%.