Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh toán không tiếp xúc lập kỷ lục tăng trưởng

Khảo sát thực hiện vào trung tuần tháng 6 của Kantar cho thấy 68% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên thanh toán bằng thẻ hoặc qua ứng dụng di động thay vì tiền mặt.

Theo thống kê mới nhất của Visa, lượng giao dịch không tiếp xúc trong 6 tháng đầu năm tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Thậm chí, tổng giá trị giao dịch tăng gấp 6 lần. Số lượng thẻ ghi nhận có ít nhất một giao dịch không tiếp xúc trong quý II/2020 cũng tăng gần 3 lần so với quý II/2019.

Trước đó, khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam do Visa thực hiện cũng cho thấy 37% người dân đang sử dụng phương thức thanh toán này. Đặc biệt, 85% trong số đó cho biết họ thường xuyên thanh toán không tiếp xúc, với tần suất ít nhất một lần mỗi tuần.

Thanh toan khong tiep xuc lap ky luc tang truong anh 1

Thanh toán không tiếp xúc là phương thức thanh toán mà người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại lên máy đọc thẻ POS. Ảnh: Visa.

Với xu hướng chuyển dịch này, các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các giải pháp thanh toán không tiếp xúc và đưa ra nhiều ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy người tiêu dùng, như Saigon Co.op, Lotte Mart, chuỗi nhà hàng The Pizza Company, hệ thống rạp chiếu phim BHD...

Đặc biệt, tại Starbucks Việt Nam, bên cạnh khuyến mại, doanh nghiệp còn lắp đặt giá đỡ xoay cho các máy đọc thẻ để khách hàng có thể tự kiểm soát giao dịch tốt hơn. Đến nay, hơn 50% giao dịch bằng thẻ Visa tại Starbucks Việt Nam được thực hiện bằng thanh toán không tiếp xúc.

Xét chung về thanh toán không tiền mặt, nghiên cứu được thực hiện từ ngày 19/6 đến 23/6 của Kantar cho thấy 68% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên thanh toán bằng thẻ hoặc qua ứng dụng di động thay vì tiền mặt, dưới tác động của dịch Covid-19.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, nền tảng thanh toán Payoo ghi nhận hơn 90% giao dịch đến từ thẻ ATM nội địa và các loại thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, JCB trong 3 tháng gần nhất. Lượng giao dịch qua mã QR (thông qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng) đồng thời có dấu hiệu tăng dần.

Trong bối cảnh này, Shopee và hãng thanh toán JCB mới đây đã công bố một thỏa thuận mang tính khu vực, bắt đầu tại các thị trường Indonesia, Thái Lan và Việt Nam từ tháng 7, sau này là Singapore và Philippines. Theo đó, JCB sẽ giảm giá cả năm và khuyến mại theo mùa cho người dùng Shopee, trong khi trang thương mại điện tử này quảng bá những gian hàng tham gia chương trình của JCB.

Theo bà Terence Pang, Giám đốc điều hành Shopee, việc hợp tác này nhằm đáp ứng sự đa dạng trong thói quen và sở thích của người dùng, trong đó có thanh toán không tiền mặt, trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19.

Gần nhất, Vinasun cũng ra mắt tiện ích thanh toán trả trước, trong đó khách hàng có thể nạp tiền từ Payoo hoặc các đối tác ngân hàng, ví điện tử, cửa hàng tiện lợi của hãng thanh toán này để trả cước taxi về sau. Đây được coi là nỗ lực mới của Vinasun nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân.

“Dự kiến đến giai đoạn 2, ngoài việc nạp tiền trực tiếp từ ứng dụng Vinasun, khách hàng cũng có thể nạp hoặc thanh toán cước phí taxi trực tiếp từ ví MoMo, ZaloPay…", ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm