Sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán di động tại Việt Nam đã đưa hình thức này vượt ngoài khuôn khổ một chiếc smartphone. Điều đó đồng nghĩa các nhà băng phải chạy đua công nghệ để bắt kịp xu hướng và chiều lòng khách hàng trên các nền tảng khác nhau.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán di động tại thị trường trong nước từ đầu năm. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch, thể hiện ở thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, số lượng thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu lượt với giá trị gần 475.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu lượt, giá trị khoảng 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 39%.
Đáng chú ý, lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tiếp tục tăng đột biến với 574,4 triệu lượt, giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng, tăng đến 184% về số lượng và 186% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, từ năm 2019 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán di động luôn vượt trội so với giao dịch qua thẻ hay Internet. Doanh số thanh toán di động cũng tăng liên tục qua từng tháng cho thấy hình thức này đang ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thanh toán nói chung của người tiêu dùng.
Với xu hướng tăng 3 chữ số về cả số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động, cơ quan quản lý cho biết hiện có khoảng 80% ngân hàng trong nước triển khai ứng dụng trên di động (app banking).
Trong đó, xu hướng phổ biến hiện nay là ngân hàng bắt tay cùng fintech phát triển app banking trên điện thoại. Ngoài các tính năng như chuyển khoản, kiểm tra số dư, gửi tiết kiệm…, khoảng 60% app banking đã được bổ sung thêm các tiện ích về tiêu dùng và thanh toán như nạp tiền điện thoại, chi trả hóa đơn, thanh toán QR, mua vé máy bay, tàu xe…
Cùng với việc tối ưu hóa app banking trên điện thoại, số ít ngân hàng đang phát triển ứng dụng này theo hướng đa nền tảng để tương thích với nhiều loại thiết bị thông minh. Trong đó, có thể kể đến ứng dụng ngân hàng trên đồng hồ thông minh, bàn phím của các giao diện tin nhắn/trò chuyện.
Trên thế giới, đã có một vài ngân hàng triển khai ứng dụng trên đồng hồ thông minh với các tính năng như vấn tin tài khoản, tìm kiếm ATM, yêu cầu khóa thẻ… Đáng chú ý, hầu hết nhà băng đều chọn điểm khởi đầu là Apple Watch thay vì các hãng đồng hồ thông minh khác, đơn giản vì Apple Watch đang là chiếc đồng hồ thông minh có nhiều người dùng nhất thế giới.
Theo Strategic Analytics, tính riêng năm 2019, đã có tổng cộng 30,7 triệu chiếc Apple Watch đến tay người dùng. Số liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết nửa đầu năm 2020, có 42 triệu chiếc đồng hồ thông minh được bán ra, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Apple Watch chiếm tới 51,4%, tương đương hơn 21 triệu chiếc và dẫn đầu thị trường.
Hãng nghiên cứu này cũng chỉ ra xu hướng mua đồng hồ thông minh hiện nay của người dùng tập trung vào loại tích hợp SIM điện thoại (eSIM), với 1/4 số đồng hồ thông minh bán ra trong nửa đầu năm 2020 đều thuộc nhóm này.
Tại Việt Nam, báo cáo của GfK Việt Nam (Công ty chuyên về nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ) cho biết đây là thị trường tiêu thụ sản phẩm Apple lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á trong những tháng đầu năm 2020, vượt qua Thái Lan, Malaysia, và chỉ đứng sau Indonesia.
Với số lượng người dùng lớn nhất và đang ngày càng gia tăng, cộng thêm việc dịch vụ eSIM trên Apple Watch được cơ quan quản lý trong nước chấp nhận từ cuối năm 2019, một số ngân hàng trong nước đã chọn phát triển ứng dụng trên thiết bị này. Điển hình là BIDV - một trong những đơn vị tiên phong đa dạng hóa hình thức, kênh thanh toán di động nhằm phục vụ sát nhất nhu cầu thực tế của khách hàng.
Không chỉ là một trong số ít ngân hàng tiên phong ra mắt phiên bản ứng dụng cho đồng hồ thông minh và bàn phím, BIDV còn là nhà băng trong nước duy nhất hiện nay cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính trọn vẹn trên thiết bị khác ngoài điện thoại thông minh.
Việc phát triển ứng dụng SmartBanking trên các thiết bị như đồng hồ thông minh và bàn phím trên các giao diện trò chuyện cho thấy sự nhanh nhạy của BIDV trong việc nắm bắt xu hướng thanh toán tiêu dùng mới của lớp khách hàng trẻ, năng động.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016-2020, thị trường thương mại điện tử trong nước luôn tăng trưởng ổn định 30%/năm, với quy mô 10 tỷ USD. Hiện tại, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến ước đạt 225 USD/người/năm.
Với xu hướng tăng trưởng như vậy, cơ quan này ước tính giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến có thể đạt mức 600 USD/người trong 5 năm tới. Đồng thời, doanh số thương mại điện tử cũng hứa hẹn đạt mức 35 tỷ USD cùng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.
Khảo sát về xu hướng người dùng của Macromill South East Asia cho biết trung bình một người trưởng thành (trên 16 tuổi) tại Việt Nam dành khoảng 2,12 tiếng/ngày để truy cập mạng xã hội, bao gồm: Facebook, Zalo, YouTube, Instagram và Twitter.
Mạng xã hội cũng đang là trung tâm mua sắm trực tuyến với hầu hết mặt hàng. Trong đó, hầu hết người sử dụng mạng xã hội từng ít nhất một lần mua sắm qua Facebook hoặc Zalo.
Đây cũng là lý do BIDV phát triển cả ứng dụng ngân hàng trên SmartKeyboard. Với phiên bản này, người dùng có thể chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn…, ngay cả khi đang trò truyện trên ứng dụng chat.
Tương tự app banking trên Apple Watch, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng đầy đủ tiện ích tài chính cơ bản thông qua bàn phím ảo.
Ứng dụng trên SmartKeyboard của nhà băng này cho phép người dùng chuyển tiền 24/7, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, đặc biệt là mua sắm trực tuyến…, những hoạt động được dự báo tăng rất mạnh trong vòng 5 năm nữa.
Thực chất, app banking của BIDV trên Apple Watch và SmartKeyboard đều chạy cùng hệ thống với phiên bản SmartBanking trên điện thoại, tích hợp đầy đủ tính năng của ngân hàng.
Hai phiên bản trên đồng hồ Apple Watch và bàn phím được đơn giản hóa tính năng, tập trung vào các giao dịch cơ bản, thường xuyên sử dụng, phù hợp với thiết bị và nhu cầu thực tế. Ví dụ, tính năng trợ lý ảo giao dịch qua giọng nói chỉ được áp dụng trên phiên bản đồng hồ và điện thoại thông minh. Các tính năng này không được tích hợp trên Smartkeyboard, do xác định đối tượng giao dịch trên nền tảng này phần nhiều là những người không có trong danh bạ điện thoại.
Ngoài ra, việc không tích hợp dịch vụ nói trên cũng nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng khi kết nối với một nền tảng thứ 3 như Facebook, Zalo, Viber…
Với việc BIDV SmartBanking trên điện thoại là ứng dụng gốc, các vấn đề về xác minh thông tin tài khoản, người dùng, cũng như bảo mật luôn được đảm bảo dù chạy đa nền tảng. Mặt khác, khách hàng tùy mục đích giao dịch, thói quen sử dụng có thể lựa chọn phiên bản thích hợp hoặc dùng đan xen giữa các phiên bản mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Báo cáo Công nghệ tài chính và ngân hàng số 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương của Backbase cho biết Việt Nam là một trong những thị trường có xu hướng phát triển thanh toán qua di động tăng mạnh trong 5 năm tới và kỳ vọng tăng 400% vào năm 2025.
Báo cáo cũng chỉ ra 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ theo đuổi các nền tảng lõi số hoá hiện đại và 8 nhà băng hàng đầu trong nước sẽ ưu tiên hiện đại hoá hệ thống thanh toán, ngân hàng lõi (core banking) với kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới.
Đại diện Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của Backbase từng nhận định các ngân hàng Việt đang đầu tư mạnh vào nền tảng số để thúc đẩy tăng trưởng. Song ngoài mục đích này, việc ra mắt nhiều phiên bản ứng dụng cho các loại hình thiết bị khác nhau, hay nói cách khác, đưa “all in one” - mọi nhu cầu xử lý qua một ứng dụng ngân hàng - như cách BIDV đang làm còn cho thấy khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh nhạy, cũng như biết quan tâm tới từng nhu cầu nhỏ nhất của người dùng. Đây chính là chìa khóa giúp ngân hàng thành công, đồng thời góp phần tạo bước đệm vững chắc để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
BIDV vừa tung ưu đãi lớn nhất năm với chương trình "BIDV SmartBanking - Cho cuộc sống xanh" mang đến nhiều quà tặng hấp dẫn cho người dùng.
Cụ thể, với ưu đãi "Nhân đôi thẻ nạp", ngân hàng tặng 100% giá trị thẻ nạp, tối đa 100.000 đồng cho 300 khách hàng đầu tiên mỗi ngày nạp tiền điện thoại lần đầu trên BIDV SmartBanking. Khách hàng có thể nạp bất kỳ thời gian nào trong ngày, áp dụng đến hết 31/10.
Ngoài ra, từ ngày 12/10 đến hết 22/11, khách hàng đăng ký mới dịch vụ BIDV SmartBanking có cơ hội trúng thưởng hàng tuần xe máy điện VinFast và hàng nghìn mã giảm giá, thẻ tiết kiệm có giá trị.
Để biết thêm thông tin chi tiết chương trình, độc giả xem tại đây.