Theo South China Morning Post, chính quyền thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tuần vừa qua đã ra quy định mới nhằm đặt ra giới hạn tiền thách cưới. Giá trị quà thách cưới, thường là tiền hoặc tài sản, do nhà trai tặng gia đình cô dâu không được vượt quá 8.900 USD tại khu vực thành thị và 7.400 USD tại ngoại ô và nông thôn.
Quy định mới tại Bộc Dương cũng yêu cầu các gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới với tối đa 15 mâm cỗ. Chi phí đồ ăn tại các đám cưới cũng không được vượt quá 90 USD tại thành thị và 45 USD tại nông thôn cho mỗi mâm cỗ.
Một cặp đôi Trung Quốc khoe giấy chứng nhận kết hôn. Ảnh: Tân Hoa xã. |
"Những người tiếp tục nhận những món quà hứa hôn đắt tiền sẽ bị nêu tên công khai và chính quyền sẽ ngăn cản đám cưới", thông báo của chính quyền Bộc Dương cho biết.
Tiền thách cưới là một phần trong truyền thống hôn nhân tại Trung Quốc. Khoản tiền này ngày càng trở nên đắt đỏ trong những năm gần đây, đặc biệt tại khu vực nông thôn, khi tỷ lệ chênh lệch giới cao khiến hàng triệu đàn ông không thể lấy được vợ.
Theo một cuộc khảo sát thực hiện năm 2017, tiền thách cưới trung bình tại thành phố Bộc Dương là khoảng 20.000 USD, trong khi thu nhập bình quân mỗi năm của người dân thành phố này chỉ khoảng 2.600 USD.
Tình trạng tiền thách cưới quá cao từng để lại những hậu quả đáng tiếc. Tại thành phố Đường Dân, cũng tại tỉnh Hà Nam, tranh cãi xung quanh tiền thách cưới đã khiến một chú rể dùng búa giết chết chính cô dâu trong đêm tân hôn năm 2017. Gia đình chú rể đã mắc phải khoản nợ lên tới gần 45.000 USD để chi trả tiền thách cưới và các chi phí khác trong đám cưới.
Một đám cưới tập thể tại Cáp Nhĩ Tân năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Tại một số khu vực khác ở tỉnh Hà Nam, chính quyền cũng có các biện pháp để hạn chế hậu quả do tiền thách cưới tăng cao. Tại Lan Khảo, nhà chức trách thậm chí đặt giới hạn tiền thách cưới ở mức 3.000 USD, đồng thời quy định người nào chi trả hoặc nhận quá số tiền trên có thể bị cáo buộc tội danh mua bán người.
Quy định mới của chính quyền tỉnh Hà Nam nhận được sự ủng hộ của không ít người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc đặt ra giới hạn cho tiền thách cưới không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
"Khó khăn trong việc (đàn ông) làm đám cưới xuất phát từ thực tế có ít phụ nữ hơn nam giới", một ý kiến được nêu ra trên mạng xã hội. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, số nam giới đang nhiều hơn 42 triệu người so với nữ giới ở Trung Quốc.