Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố sạch nhất Việt Nam cũng bị ô nhiễm nặng

Số ngày ô nhiễm không khí tại Đà Nẵng vượt ngưỡng cho phép từ 40 ngày (năm 2011) đã lên tới 128 ngày (năm 2013).

Chiều ngày 18/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề môi trường không khí.

Đáng chú ý trong báo cáo này là tỷ lệ bụi mịn chiếm tỷ trọng tương đối cao trong không khí cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thùy (Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường - Bộ TNMT) cho biết, các hạt bụi mịn này thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ nên tồn tại rất lâu trong khí quyển.

Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế xã hội là đáng kể so với các hạt bụi thô.

Vẫn theo ông Thùy, ô nhiễm không khí thường tập trung cao ở các đô thị các mật độ giao thông lớn như Hà Nội, TP.HCM, Biên Hòa hoặc các nơi có sản xuất công nghiệp phát triển mạnh như tại khu công nghiệp than Quảng Ninh.

Tại Hà Nội, các số liệu quan trắc gần trục giao thông cho thấy tỷ lệ bụi cao không chỉ bởi mật độ giao thông cao mà còn bị ảnh hưởng từ các hoạt động xây dựng.

Kết quả chụp X quang tim phổi 372 người lao động tại mỏ than Hà Tu-Quảng Ninh có 115 người bị nghi bụi phổi.
Bụi than có độc tính cao, kết quả chụp X quang tim phổi 372 người lao động tại mỏ than Hà Tu-Quảng Ninh có 115 người bị nghi bụi phổi. Ảnh minh họa.
Thậm chí như thành phố Đà Nẵng, một trong những tỉnh được đánh giá là “thành phố sạch nhất" của cả nước, những năm gần đây ô nhiễm không khí cũng đang có chiều hướng tăng cao.

Số liệu cho thấy, số ngày ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép từ 40 ngày (năm 2011) đã lên tới 128 ngày (năm 2013).

Vẫn theo báo cáo này nồng độ bụi ở các khu công nghiệp miền Bắc cao hơn hẳn so với các khu công nghiệp miền Nam.

Theo đánh giá của cơ quan quốc tế chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm là không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở người.

Báo cáo cho thấy, năm 2010, trên thế giới đã có 22.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, thống kê Bộ Y tế cho thấy những năm gần đây các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm