Cử tri tại Cheongju, thành phố ở miền Trung Hàn Quốc, đã bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 1987. Vì thế, Cheongju được ví như chiếc phong vũ biểu thể hiện ý kiến cử tri.
Nhưng đến lúc này, chưa có ứng viên nào có vẻ nổi trội rõ rệt tại Cheongju, dù người dân sắp đi bỏ phiếu vào ngày 9/3.
“Đây là một lời nguyền”, bà Kim Yoon Sun - một người trong độ tuổi 60 - nói về vị trí của Cheongju trong bầu cử Hàn Quốc. Bà còn cho rằng đây là cuộc bầu cử tổng thống “đáng thất vọng nhất” mình từng thấy.
“Chúng tôi lần này phải chọn đúng người. Tôi thường bị bạn bè ở Seoul chế giễu. Họ cho rằng Hàn Quốc sẽ khá hơn nhiều nếu không có Cheongju vì chúng tôi luôn chọn sai người và đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn”, bà Kim nói.
Cử tri Cheongju đã 7 lần chọn đúng tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 1987. Đồ họa: Bloomberg. |
Cử tri không mặn mà với mọi ứng viên
Tới lúc này, chưa một ai trong hai ứng viên chính - Lee Jae Myung của đảng Dân chủ (DP) đang cầm quyền và Yoon Suk Yeol của đảng bảo thủ Quyền lực Nhân dân (PPP) - đủ khả năng thuyết phục cử tri rằng họ có cánh tay vững chãi để lèo lái nền kinh tế lớn thứ ba của Đông Á.
Nguyên nhân là những bê bối của ông Lee và Yoon thường đều đặn xuất hiện trên mặt báo trong thời gian qua. Và tính chất tiêu cực trong những cuộc tranh luận chính trị cũng đã khiến nhiều cử tri thất vọng.
Theo kết quả cuộc thăm dò cử tri gần nhất được công bố hôm 3/3, ông Yoon chỉ nhỉnh hơn một chút so với đối thủ. Từ đó tới nay, tỷ lệ ủng hộ ông Yoon đã nhận thêm cú hích sau khi một ứng viên nhỏ của phe bảo thủ rút lui và đứng về phía ông.
Ông Yoon là người mới bước chân vào chính trường. Trước đó, ông công tác trong cương vị công tố viên. Để thu hút cử tri, ông cam kết kiểm soát giá bất động sản, cứng rắn với Triều Tiên, và thực hiện kế hoạch khẩn cấp trong 100 ngày để giải cứu nền kinh tế chịu tác động từ Covid-19.
Lee Jae Myung của đảng Dân chủ (DP) đang cầm quyền (trái) và Yoon Suk Yeol của đảng bảo thủ Quyền lực Nhân dân (PPP). Ảnh: Press Corps. |
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Yoon chứa nhiều hành động hớ hênh. Ông cũng chật vật ứng phó khi vướng phải nhiều điều gây tranh cãi như câu hỏi liệu vợ ông có nói dối về thành tích trong lúc xin việc hay không.
Trong khi đó, từ xuất phát điểm là công nhân, ông Lee trở thành luật sư và sau đó là thống đốc tỉnh đông dân nhất của Hàn Quốc. Với chương trình nghị sự mang màu sắc dân túy, ông Lee cố gắng để Hàn Quốc trở thành nước châu Á đầu tiên phát thu nhập cơ bản phổ quát (UBI).
Nhưng tương tự ông Yoon, chiến dịch tranh cử của ông Lee bị bao phủ bởi nhiều bê bối đời tư và một vụ điều tra đầu cơ đất đai tại Seongnam - thành phố nơi ông Lee từng làm thị trưởng. Ông khẳng định không có sai phạm.
Di sản từ chính quyền trước
Với nhiều người tại Cheongju, hai ứng viên hàng đầu lúc này chưa đưa ra được giải pháp giúp những người Hàn Quốc phổ thông có thể đảm bảo điều kiện sống và có được một nơi để ở.
“Tôi muốn nghe nhiều hơn về chính sách việc làm nhưng tôi chẳng thấy gì”, Kim Dong Kuk - một sinh viên năm hai theo chuyên ngành giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Chungbuk tại Cheongju - nói. “Tôi chỉ thấy các ứng viên chỉ trích và chửi bới lẫn nhau. Điều đó khiến tôi hơi chán nản”.
Trong lúc tranh cử, Tổng thống Moon Jae In đương nhiệm từng hứa hẹn sẽ giúp nhà ở hợp túi tiền người dân hơn. Nhưng kể từ khi ông đắc cử năm 2017, giá nhà tăng vọt. Trong khi đó, thu nhập người lao động tăng chưa đầy 20%.
Một địa điểm bỏ phiếu sớm tại Hàn Quốc hôm 4/3. Ảnh: Bloomberg. |
“Tôi không biết các chính sách khác ra sao nhưng về bất động sản thì chắc chắn là còn nhiều điều cần cải thiện”, Han Kye Gwang, chủ một công ty bất động sản ở Cheongju, nói.
Ông Han còn gợi ý rằng thái độ đối với chính sách bất động sản của chính quyền Moon sẽ có tác động mạnh tới lá phiếu của người dân Cheongju.
Theo một khảo sát cuối tháng 2 của Trung tâm Nghiên cứu Thông tin Hàn Quốc (KIR), 54% người tham gia muốn có thay đổi trong đảng phái của tổng thống. Tỷ lệ này có lợi cho đảng đối lập của ông Yoon và nhỉnh hơn một chút ở tỉnh nơi có thành phố Cheongju.
Dù chiến thắng, ông Yoon sẽ phải đối mặt với một quốc hội do đảng của ông Moon chiếm đại đa số. Điều này đảm bảo ông Yoon sẽ gần như bế tắc trong nhiều vấn đề quốc nội.
Trên đường phố trung tâm Cheongju, những chiếc loa trên xe vận động tranh cử lúc này vẫn vang lên lời kêu gọi cử tri nhưng phần lớn đều bị người dân đi qua phớt lờ.
“Tôi chẳng cần nghe mấy ông ấy diễn thuyết làm gì”, Kang Huyn Jin, một phụ nữ tầm tuổi 30, nói. Kang là một trong những người đi qua mà không để ý tới những chiếc xe. “Tôi không ủng hộ bất cứ ai cả. Có lẽ mấu chốt sẽ là liệu người dân có cho rằng chính quyền hiện tại làm tốt hay không”.