Hôm 7/7, Myanmar công bố cả nước có thêm gần 4.000 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 50 ca/ngày từng ghi nhận hồi đầu tháng 5.
Chính quyền quân sự Myanmar cùng ngày đã áp đặt lệnh cấm ra khỏi nhà đối với người dân ở 10 thị trấn trong địa bàn Yangon. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người.
Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar cho biết những người làm hành chính và những người có lý do sức khỏe sẽ vẫn được ra ngoài.
Số ca Covid-19 gia tăng buộc Myanmar phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters |
Yangon là nơi sinh sống của khoảng 7 triệu dân, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế của Myanmar.
Các địa điểm nằm trong quy định mới bao gồm cả Hlaing Thar Yar - thị trấn diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanamar sau cuộc chính biến hồi tháng 2.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Myanmar đã phải chật vật đối phó với Covid-19, trong bối cảnh đất nước trải qua cuộc chính biến khi lực lượng quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Một số vùng của đất nước đã bị phong tỏa một phần vào năm ngoái. Dù vậy, các biện pháp hạn chế không thể ngăn một bộ phận người dân buộc phải ra ngoài để kiếm sống.
Truyền thông Myanmar hôm 7/7 cho biết khoảng 1,75 triệu người (trong khoảng 54 triệu dân) đã được tiêm vaccine Covid-19. Giới chức nước này đang gấp rút đàm phán các lô vaccine với Nga và Trung Quốc.
Sắp tới, nguồn tin này cho biết khoảng hai triệu liều vaccine sẽ đến Myanmar, dù không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Trung Quốc - nước láng giềng với Myanmar - hôm 7/7 cũng công bố số ca Covid-19 cao nhất sau 6 tháng. Một phần nguyên nhân đến từ sự gia tăng đột biến số ca nhiễm tại thị trấn Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam), địa phương giáp biên giới Myanmar.
Cơ quan y tế Vân Nam cho biết trong số 57 ca nhiễm mới, 12 người là công dân Myanmar. Cơ quan này cho rằng biến thể Delta (lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ) là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát.