Một người hoạt động, cả phố được nhờ
“Anh có muốn được massage boom-boom hay không?”, một cô gái trang điểm đậm, mặc váy siêu ngắn liên tục hỏi tôi khi tôi đang đi bộ trên vỉa hè phố Phạm Ngũ Lão. Sau đó, cô ta chỉ một khách sạn 3 sao ở ngay trước mặt và nói thẳng: “Anh có muốn quan hệ tình dục không?”.
Khi đi bộ 1 đêm ở Phạm Ngũ Lão, việc bạn được gái mại dâm đi trên những chiếc xe tay ga đeo bám, mời chào như vậy vốn chẳng phải điều gì lạ lẫm. Một số người thậm chí còn không ngại ngần dừng lại và tiến tới gần, liên tục cọ xát vào người bạn để chèo kéo.
Về mặt luật pháp thì mại dâm bị cấm tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, giới chức TP.Hồ Chí Minh thừa nhận có khoảng 3.000 phụ nữ đang hành nghề mại dâm. Theo số liệu thống kê mới đây, có gần 4.600 người hành nghề mại dâm trong tổng số hơn 7,5 triệu người dân.
Song, theo một số nhà nghiên cứu, con số người hành nghề mại dâm nói trên thấp hơn nhiều so với thực tế. Con số chính xác có thể phải là 11.000 người. Những người này có thể hành nghề tại các quán karaoke, các quầy bar, trên đường phố hay thậm chí là các khách sạn sang trọng ở trung tâm thành phố.
Ở những địa điểm có loại hình dịch vụ này, tín hiệu để nhận biết thường là các nhân viên bảo vệ. Ngay từ ban ngày họ đã có thể hỏi bạn liệu buổi tối có muốn được “massage boom-boom” hay không.
"Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt tình trạng mại dâm tràn lan" |
“Hầu hết các cô gái hành nghề mại dâm đều đi một mình và không thuộc sự kiểm soát của một mạng lưới nào. Tuy nhiên, mỗi người đều có quyền được hưởng những phần trăm nhỏ từ hoạt động này, từ những người bảo vệ tại khách sạn cho tới người dược sĩ bán bao cao su. Tất cả đều hợp tác với nhau chặt chẽ và đồng bộ”, ông Georges Blanchard (Giám đốc tổ chức Liên minh chống buôn người tại Việt Nam) cho hay.
Cám dỗ vật chất
Cũng bàn về tình trạng hoạt động mại dâm tại Việt Nam đang tăng mạnh bất chấp việc bị cấm, nhà báo Remy Favre trên tạp chí La Croix dẫn một nghiên cứu do Liên minh chống buôn người thực hiện cho hay, 54% người bán dâm tại TP.Hồ Chí Minh tham gia hoạt động này với mục đích kiếm tiền. “Những cô gái đó muốn mua điện thoại, xe máy đẹp, quần áo hàng hiệu”, ông George cho biết.
Những người hành nghề mại dâm thường đến từ những nơi vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu. Bước ra khỏi túp lều của mình, họ phát hiện ra vô số những món đồ mà họ chưa từng tưởng tưởng ra và bắt đầu biết thích thú những món đồ đắt tiền đó. Và, một khi đã có thói quen hoang phí, việc đưa họ trở lại cuộc sống bình thường là điều vô cùng khó khăn.
Trên thực tế, có rất ít người hành nghề mại dâm có ý định bỏ công việc này. Tổ chức phi chính phủ Médecins du Monde (MDM) đã mời một số người tham gia làm các đồng đẳng viên để đi thuyết phục những người cùng cảnh ngộ như họ bỏ việc. “Thông thường, họ từ chối ngay. Mức lương hàng tháng mà chúng tôi đề nghị, họ có thể kiếm được chỉ trong vòng 1 ngày. Bên cạnh đó, họ cũng không muốn bị gò bó về thời gian biểu và những quy tắc làm việc”, ông Tân, điều phối viên của MDM cho hay.
Nỗi lo AIDS
Theo một thống kê, tại TP.Hồ Chí Minh từng có thời điểm 40 tới 60% người hành nghề mại dâm bị nhiễm virus HIV/AIDS. Năm 2008 là năm đầu tiên số trường hợp nhiễm virus ở những người hành nghề bán thân này giảm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế lại khiến lượng khách hàng giảm sút.
Cùng với đó, gái mại dâm được khuyến khích quan hệ tình dục không an toàn để được trả nhiều tiền hơn. Điều này từng khiến giới chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh HIV/AIDS có thể sẽ tiếp tục trở lại, đặc biệt là tại các khu vực nghèo khó nơi những người hành nghề mại dâm không kiếm được nhiều khách hàng.
Ví dụ, tại quận 6 - một trong những nơi nghèo nhất của thành phố - chúng ta có thể bắt gặp cảnh những người phụ nữ tiếp khách ngay trên tấm chiếu trải ở vỉa hè để lấy số tiền chỉ 60.000 đồng. “Họ không phải là những người hành nghề theo một đường dây nào. Họ thường là những người đã kết hôn. Những đứa con của họ đôi khi cũng ở trên vỉa hè khi mẹ làm việc”, ông Vincent Trias, điều phối viên của MDM nói.
Cũng theo ông này, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn người từ nông thôn tìm lên TP.Hồ Chí Minh tìm việc làm. Dù phát triển mạnh mẽ những thành phố vẫn không thể đáp ứng lực lượng lao động này, và do đó, nhiều người đã bị đẩy đến hoàn cảnh tồi tệ nhất.