Báo cáo về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam mới đây cho thấy, mất cân bằng giới tính Việt Nam đang có nguy cơ báo động khi tỷ lệ trẻ em trai/trẻ em gái là 113/100. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa 2,3-4,3 triệu "chú rể" không tìm được vợ để kết hôn.
Ông Phạm Năng An, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cảnh báo, mức độ mất cân bằng giới tinh khi sinh hiện nay ở Việt Nam có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hôn nhân trong tương lai.
Tới đây, phụ nữ vùng nghèo sinh con theo đúng chính sách sẽ được hỗ trợ một lần 2 triệu đồng. Nhưng việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nếp nghĩ, thay đổi tâm lý phân biệt con trai - con gái mới là yếu tố quyết định để giảm việc lựa chọn sinh con trai, dẫn đến mất cân bằng giới tính trong tương lai. - Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Một yếu tố khác góp phần tạo áp lực cho thị trường hôn nhân là sự gia tăng tuổi kết hôn ở phụ nữ. Độ tuổi hiện nay là 22,8 tuổi - khá thấp so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển ở châu Á.
Hậu quả của sự mất cân bằng này cũng sẽ gây ra các tình trạng kết hôn muộn, tình trạng gia tăng xuất cư, tình trạng độc thân ở nam giới, gia tăng mại dâm, thậm chí gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng bày tỏ lo ngại, với dự báo xấu nhất đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới thì nguy cơ thừa nam cũng là yếu tố gia tăng xu hướng đồng tính nam.
Một kết quả nghiên cứu về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cũng chỉ ra, thực tế những nam giới không lấy được vợ trong giai đoạn này sẽ tiếp tục tìm cách cưới vợ trong những giai đoạn sau, từ đó gây ra tình trạng tồn đọng ngày càng tăng của số nam giới chưa kết hôn.
Đặc biệt, trong tương lai nhu cầu về phụ nữ sẽ lớn và phụ nữ không gặp khó khăn gì trong việc kết hôn ở độ tuổi mình muốn, mà thực tế còn được lựa chọn người chồng tương lai. Nhưng nam giới với sự gia tăng liên tục của làn sóng dư thừa nam giới sẽ tạo ra nút thắt “nghẽn cổ chai” nghiêm trọng.
Báo cáo cũng chỉ ra, để lấy được vợ nam giới sẽ phải tăng thời gian học tập, đầu tư tay nghề và tích lũy tài sản, con người và kỹ năng. Điều này đồng nghĩa, nam giới giàu sẽ dễ dàng tìm vợ hơn.
Sự thiếu hụt phụ nữ cũng sẽ tăng nguy cơ bạo lực giới, tăng tình trạng bị ép buộc phải làm vợ chung của anh em, tăng nhu cầu mại dâm. Ngoài ra, khi thị trường hôn nhân chưa vận hành trơn tru sẽ là cơ hội cho mạng lưới buôn bán người hoặc những người làm mối, các công ty mai mối hôn nhân phát triển nở rộ.
Ở góc độ xã hội học, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận Xã hội, Viện Xã hội học) nhận định: “Trước đây nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang 'trọng nam khinh nữ' nên việc nam giới sẽ “bị ế” sẽ khiến phụ nữ được coi trọng hơn. Nhưng theo tôi ý kiến này không nghiêm túc lắm. Một xã hội mà giới tính nghiêng về phía nam sẽ khiến tính “cuồng bạo” của xã hội tăng. Xã hội sẽ thiếu đi sự nhẫn nhịn, dịu dàng vốn có của phụ nữ”, tiến sĩ Bình nói.Sự mất cân bằng về giới tính cũng sẽ đe dọa tính chất bền vững của xã hội. Ông Bình phân tích, một xã hội toàn nam thì tốc độ sống sẽ “chóng mặt” hơn, tính “chinh phạt” trong xã hội sẽ gia tăng, sự “tăng giá” của phụ nữ sẽ trở lên bất thường.
“Chúng ta không được phép chậm hơn nữa, phải cần chung tay ngăn chặn xu hướng này. Xã hội sẽ vận hành méo mó nếu cân bằng dân số không được ổn định”, tiến sĩ Bình nhấn mạnh.