Ông Phạm Năng An, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho hay, các gia đình nghèo không có nhà vệ sinh, không có điện thắp sáng, nhà làm bằng vật liệu tre, gỗ, lá, nguồn nước uống chính từ nước suối tỷ suất giới tính trước sinh chỉ là 105 bé trai/100 bé gái.
"Trong khi các gia đình có nhà xây bằng vật liệu tốt, có máy tính, máy giặt, nguồn nước uống và chất lượng nhà ở cao thì tỷ suất này là 113 bé trai/100 bé gái", ông An thông tin.
Tình trạng kinh tế xã hội càng nâng lên thì tỷ lệ bé trai/bé gái cũng tăng theo. Đặc biệt, đối với các lần sinh sau (từ lần thứ 3 trở lên) thì tỷ lệ này tăng lên một cách đều đặn và liên tục, từ mức bình thường 105 trong nhóm hộ gia đình nghèo nhất đến mức 133 ở nhóm gia đình giàu nhất.
Sau hai lần sinh con, đến lần thứ 3, các hộ gia đình thuộc nhóm kinh tế khá giả cố gắng áp dụng lựa chọn giới tính trước sinh. Theo thống kê, ở lần sinh này, tỷ lệ sinh nam/nữ ở các hộ giàu nhất lên tới gần 133 bé trai/100 bé gái.
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ "khát" con trai của nhà giàu so với các hộ gia đình nghèo, đặc biệt ở lần sinh thứ 3. Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Phân tích thêm về tỷ lệ giới tính khi sinh ngày càng mất cân bằng, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc lựa chọn sinh con trai phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý. Đây là vấn đề xã hội chứ không chỉ phụ thuộc điều kiện kinh tế.
Cụ thể, tại TP.HCM, các điều kiện về y tế cho lựa chọn giới tính khi sinh, chẩn đoán sớm giới tính khi sinh cũng như điều kiện kinh tế đều cho phép. Thậm chí nhiều kỹ thuật ứng dụng tại TP.HCM thực hiện trước Hà Nội nhưng tại thành phố này và các tỉnh lân cận, mức chênh lệch bé trai/bé gái thấp hơn hẳn so với vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ con trai/con gái.
Bên cạnh đó, không chỉ các gia đình giàu mới "khát" con trai mà số người mong muốn có con trai còn nằm ở những gia đình có học vấn cao.
Các gia đình không có nhà vệ sinh, không điện, uống nước suối tỷ suất giới tính khi sinh chỉ 105 trai/100 gái còn các gia đình có nhà xây, có xe máy, máy tính tỷ lệ này là 113/100.
Các cặp vợ chồng có trình độ học vấn càng cao thì tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ ở mức 105,9 (mức bình thường), trong khi ở nhóm phụ nữ làm việc trong khu vực công, số bé trai/bé gái được sinh ra tăng lên đến 112,4/100.
Hay ở nhóm phụ nữ có trình độ cao đẳng, tỷ số bé trai/bé gái chênh lệch lên đến 113,9/100, trong khi, nhóm các bà mẹ không biết chữ, trình độ tiểu học thì tỷ số chênh lệch bé trai/bé gái thấp hơn hẳn: 107,4/100.
Các chuyên gia lĩnh vực dân số cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ còn tiếp tục xảy ra một khi xã hội còn tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Bên cạnh đó, với mức sinh 1-2 con là một nhân tố làm tăng nhu cầu lựa chọn trai - gái trước sinh.
Kết quả nghiên cứu định tính nhằm tìm hiểu sâu hơn về tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam (Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam) cũng chỉ ra rằng những người có cuộc sống khả giả, ở miền bắc Việt Nam mà không có con trai đang phải chịu một áp lực nặng nề từ gia đình nhà chồng, chịu đựng sự mỉa mai, trêu chọc và xúc phạm của cộng đồng.
Ngoài những hậu quả nêu trên, các cặp vợ chồng với tâm lý "khát" con trai bằng mọi giá sẽ tự đẩy mình đến việc nạo phá thai để loại bỏ những thai gái không mong muốn. Các dịch vụ "sinh đẻ có chọn lọc" sẽ được chấp nhận rộng rãi và dễ thông cảm để hỗ trợ những người khao khát con trai.