Theo CNN, bảng xếp hạng được thực hiện từ khảo sát của Mercer, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại New York, Mỹ. Công ty này đánh giá 209 thành phố lớn trên thế giới dựa trên các tiêu chí như giá nhà, thực phẩm, giải trí và các chi phí khác. Chi phí sống ở New York được dùng làm cơ sở so sánh.
Khủng hoảng tài chính và lạm phát ở Turkmenistan đã khiến chi phí sống tại Ashgabat trở nên đắt đỏ. Trong những năm qua, thứ hạng của Ashgabat đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2020, thành phố này xếp thứ hai, chỉ sau Hong Kong. Đến năm 2021, Ashgabat đã vượt qua Hong Kong để vươn lên ngôi đầu.
Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan là thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài năm 2021. Ảnh: Eurasianet. |
Đứng thứ ba trên bảng xếp hạng là thủ đô Beirut của Lebanon. Thứ hạng của thành phố này đã tăng vọt khi Beirut chỉ xếp thứ 45 trong năm 2020. Nguyên nhân đến từ cuộc suy thoái kinh tế tại Lebanon, trầm trọng thêm bởi đại dịch Covid-19 và vụ nổ tại cảng Beirut tháng 8/2020.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về Tokyo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sĩ), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Geneva (Thụy Sĩ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bern (Thụy Sĩ).
Trong bối cảnh giá trị của đồng euro tăng 11% so với đôla Mỹ, các thành phố châu Âu có chi phí sống tương đối cao hơn các thành phố ở Mỹ. New York đã bật khỏi top 10 trong bảng xếp hạng năm nay, trong khi Paris nhảy vọt từ vị trí thứ 50 lên 33.
Tương tự, sự tăng giá của đồng đôla Australia cũng là nguyên nhân khiến các thành phố của nước này như Sydney và Melbourne tăng bậc trong bảng xếp hạng.
Ở chiều ngược lại, những thành phố có chi phí sống thấp nhất cho người nước ngoài là Bishkek (Kyrgyzstan), Lusaka (Zambia) và Tbilisi (Gruzia).