Nhắc tới Apple, người ta nhớ ngay đến Cupertino và ngược lại. Trên thực tế, thành phố này phải đề nghị mức thuế ưu đãi để Apple tiếp tục ở lại và trở thành nguồn đóng thuế lớn nhất.
Theo một nguồn tin, Cupertino đã chuyển cho Apple gần 70 triệu USD, trích từ các khoản thuế thương mại trong suốt 20 năm. Số tiền này đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.
Thỏa thuận thuế với Apple được ký kết vào năm 1997, ngay sau khi Steve Jobs trở lại và công ty nằm trên bờ vực phá sản. Với một số phần mở rộng, văn bản này sẽ có giá trị ít nhất đến năm 2033.
Ban đầu, Apple nhận 50% thuế thu được từ việc bán sản phẩm cho các doanh nghiệp địa phương tại California - cùng với 2 cửa hàng phân phối ở Cupertino. Tuy nhiên con số đã giảm xuống 35% vào năm 2019, như một phần trong thỏa thuận xây dựng Apple Park. Năm ngoái, khoản tiền Apple nhận được nhờ ưu đãi đạt 6 triệu USD.
Cupertino đã tốn một khoản chi phí lớn để trở thành nơi Apple chọn đặt trụ sở. Ảnh: Cult of Mac. |
Các giao dịch tương tự cũng được thực hiện với Best Buy và trang web mua sắm trực tuyến QVC.
Những thành phố thường xem khoản thanh toán này như một cách thu hút hoặc giữ chân ngành công nghiệp thương mại điện tử, dù đôi khi thỏa thuận có thể kéo dài nhiều thập kỷ.
Steven Scharf, thị trưởng Cupertino, cho biết một số cư dân trong thành phố 64.000 người đã phàn nàn về khoản tiền. Song các quan chức vẫn lo lắng nếu thỏa thuận kết thúc, Apple có thể không bán sản phẩm tại địa phương nữa.
Mặc dù số tiền nhận được khá nhỏ so với tổng doanh thu Apple, nhưng thỏa thuận lại đem đến nhiều lợi ích cho Cupertino. Trong năm 2012-2013, các khoản thanh toán chiếm 10% quỹ chung của thành phố, con số giảm dần còn 4,8% và 6,4% trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, Cupertino không đầu tư một chiều. Apple hiện chu cấp 9,7 triệu USD cho dự án giao thông xe đạp và người đi bộ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nỗ lực nhằm hạn chế việc thành phố áp thuế lên mỗi nhân viên công ty.