Có khoảng 200 trụ tương đương 4 tấn thanh long vừa vuốt tai chuẩn bị thu hoạch, chị Thanh Hằng (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) sốt ruột vì nhiều ngày nay giá liên tục xuống thấp, không có người mua. "Hôm nay giá thanh long cao nhất mà thương lái hỏi mua vẫn chỉ khoảng 1.500 đồng/kg", chị buồn bã.
Chị Hằng cho biết trước đây khi cửa khẩu vẫn thông quan bình thường, gần vào vụ đã có lái đến đặt cọc, mua với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, hàng của chị vẫn không có người mua. "Nếu có cũng ép giá 1.000-2.000 đồng/kg, giá vậy thì thà tôi đổ bỏ còn hơn", chị than.
Thực tế, những ngày qua, giá thanh long thu mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận xuống thấp kỷ lục, chỉ còn từ 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ còn 500 đồng. Trong trường hợp thương lái không mua, những nông dân như chị Hằng buộc phải tự chặt bỏ để dưỡng cây cho vụ mùa tiếp theo.
Trong bối cảnh người nông dân điêu đứng vì giá thanh long xuống thấp còn 1.000-2.000 đồng/kg, không có nguồn tiêu thụ thì tại một số siêu thị, chợ và cửa hàng thực phẩm, nhiều người tiêu dùng vẫn phải mua thanh long với giá cao gấp hàng chục lần.
Hiện giá thu mua thanh long tại Bình Thuận đang ở mức từ 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ mua với giá 500 đồng/kg. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nghịch lý giá
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Kim Thanh - chủ nhà vườn khoảng hơn 500 trụ thanh long ở Hàm Tân, Bình Thuận - cho biết thanh long đang chín rộ nhưng thông tin cửa khẩu đóng cửa khiến thương lái ép giá xuống thê thảm.
"Mất 3 tháng ròng rã chăm sóc, chi phí trung bình cho 1 kg thanh long là 10.000-15.000 đồng mà giờ đây nông dân chúng tôi phải bán lỗ gấp 10-15 lần so với số vốn bỏ ra. Chưa kể, người dân thì ngày càng trồng nhiều không riêng khu vực Binh Thuận mà Long An cũng trải dài thanh long với số lượng lớn", chị nói.
Theo chị Thanh, người nông dân ở Bình Thuận như chị đều đang ngồi trên đống lửa vì thanh long đang chín rộ từng ngày, trong khi giá xuống rất thấp.
"Tốn kém nhất là tiền điện thắp sáng để thanh long ra trái đồng loạt, đúng thời điểm. Chưa kể tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công... Nếu không có thương lái chúng tôi cũng không biết bán cho ai, nhiều người đành phải cắt bỏ", chị xót xa.
Trong khi đó, khảo sát của Zing tại các chợ, cửa hàng thực phẩm, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, giá thanh long bán ra vẫn ở mức cao dao động 30.000-60.000 đồng/kg.
Tại chợ, thanh long loại xấu nhưng giá bán vẫn ở mức cao từ 30.000-40.000 đồng/kg. Ảnh: T.T |
Tại cửa hàng hoa quả Thanh Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội), thanh long ruột đỏ có giá 50.000 đồng/kg. Chủ cửa hàng này cho biết đây là thanh long loại 1, trọng lượng 700-800 gram/quả nên không thể so sánh giá với loại bán "giải cứu".
"Hơn nữa, hàng giải cứu đều là quả vỏ dày, không được mua lẻ. Còn thanh long ở cửa hàng là quả to, ngọt, được tuyển chọn kỹ càng", tiểu thương này giải thích.
Tương tự, tại siêu thị Vinmart, thanh long ruột đỏ có giá bán là 30.100 đồng/kg, thanh long ruột trắng có giá 32.600 đồng/kg. Tại một số cửa hàng thực phẩm như Bác Tôm, Sói Biển... mức giá bán cũng dao động khá cao, khoảng 60.000-80.000 đồng/kg.
Trong khi đó, một số siêu thị khác như Big C, Go!, MM Mega Market... đang hỗ trợ bán thanh long giúp bà con nông dân với giá không lợi nhuận. Giá bán thanh long ruột đỏ tại GO!, Big C miền Nam chỉ 12.900 đồng/kg, tại khu vực Hà Nội là 15.900 đồng/kg; MM Mega Market bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ lần lượt có giá 12.500 đồng/kg và 15.000 đồng/kg.
Nỗ lực giúp người dân tiêu thụ thanh long
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Thuận - cho biết ngành nông nghiệp, công thương, UBND các huyện đang theo dõi, rà soát, tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu theo đường chính ngạch, hoặc theo đường biển sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời đơn vị cũng tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp thu mua, vận chuyển thanh long xuất khẩu sang thị trường khác. Mặt khác, Sở tiếp tục theo dõi tiến độ thông quan tại các cửa khẩu phía bắc, nếu nước bạn mở cửa trở lại sẽ tiếp tục xúc tiến tiêu thụ.
"Ngoài ra, đơn vị cùng Sở Công Thương cũng tăng cường kết nối, khẩn trương lập danh sách để cung ứng cho sở, ngành các tỉnh khác để hỗ trợ, giúp đỡ cho tỉnh Bình Thuận và các tỉnh trồng thanh long khác", ông nói.
Ông Tấn cho biết Sở NNPTNT và Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục làm cầu nối, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai kiểm soát dịch Covid-19 tại các cơ sở vùng trồng và đóng gói.
"Sở sẽ công bố danh sách sản lượng từng thời điểm để có kết nối cụ thể. Cùng với đó, chúng tôi khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm từ trái thanh long", ông nhấn mạnh.
Sở ban ngành các tỉnh vùng trồng thanh long đang cấp bách tìm đầu ra cho trái thanh long. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngày 11/1, Sở Công Thương tỉnh Long An đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành liên quan về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long nghịch vụ do trong thời gian thu hoạch mà chưa xuất khẩu được.
Theo đó, Sở này cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân trồng thanh long xử lý xông đèn sẽ thu hoạch hơn 20.000 tấn, trong khi các kho chứa trên địa bàn tỉnh đang tồn 6.000 tấn chưa xuất khẩu được.
"Đặc thù của trái thanh long đến ngày thu hoạch nếu khoảng 3 ngày không thu hái thì sẽ bị nứt, hư thối. Do đó, Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thanh long Long An, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và tái sản xuất", Sở Công Thương Long An kêu gọi.
Trước đó, ngày 10/1, Bộ Công Thương cũng có văn bản khẩn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.