Theo ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Nha Trang, Cảng vụ đã chuẩn bị xong nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho đại diện Cảng vụ tại Trường Sa để sẵn sàng đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ được giao, tổ chức tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động hàng hải tại khu vực vùng nước cảng biển Trường Sa, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo.
Trong thời gian tới, Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại Trường Sa sẽ triển khai công tác quản lý nhà nước về hoạt động hàng hải tại khu vực, tổ chức tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường...
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết: “Việc thành lập và tổ chức hoạt động của đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại Trường Sa giúp cho việc quản lý hoạt động của tàu thuyền đảm bảo an toàn, tự do hàng hải theo quy định của pháp luật Việt Nam và công ước của Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982.
Quyên góp, ủng hộ đồng bào, chiến sĩ huyện Trường Sa. |
Sự hiện diện của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trên các vùng biển đảo thuộc chủ quyền góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.
Tại buổi lễ, các cơ quan, đơn vị đã quyên góp được 408 triệu đồng ủng hộ người dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.
Dịp này, Cục Hàng hải cũng tặng quà cho đại diện thân nhân của 8 gia đình có người thân bị mất tích trong vụ tàu Phúc Xuân 68 bị chìm vào ngày 9/11; mỗi phần quà tặng trị giá 5 triệu đồng.
Buổi lễ cũng công bố vùng nước cảng biển Trường Sa.
Theo đó, Vùng nước cảng biển Trường Sa gồm Bến cảng Trường Sa; vùng nước cảng biển Khánh hòa gồm các bến cảng: Đầm Môn, Hòn khói, Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Trạm phân phối xi măng Ninh Thủy, Nha Trang, Học viện Hải quân, Ba Ngòi, K720 – Tổng công ty xăng dầu quân đội, Nhà máy xi măng Cam Ranh.