Mở đầu tọa đàm "Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới" ngày 30/3, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - nhắc lại cảnh một nhóm môi giới dựng rạp, tranh nhau "chốt cọc" đất nền ở Bình Phước hồi giữa tháng 2.
Ông nhấn mạnh hiện tượng giá đất nhảy múa khắp nơi thời gian gần đây có sự tiếp tay của giới đầu cơ và môi giới không chuyên, thậm chí cả những nhà môi giới "chuyên nghiệp".
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: T.N. |
'Chỉ mất 7 ngày để mở một công ty môi giới'
Theo ông Phạm Lâm, CEO DKRA, có khoảng 300.000 người đang thực hiện các nghiệp vụ môi giới bất động sản ở Việt Nam. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì hiện nay ai cũng có thể làm môi giới bất động sản.
Vì lẽ đó, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiếp thị của Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho rằng các tổ chức môi giới trên thị trường đang có sự phân hóa rõ rệt.
"Bên cạnh những đơn vị đã hình thành 5-10 năm, bộ máy lãnh đạo có cái tâm và cái tầm, thì 3-5 năm trở lại đây việc hình thành một công ty môi giới, một sàn môi giới quá dễ dàng, gây nên nhiều hệ lụy cho thị trường. Hôm nay nghỉ việc tại một công ty môi giới, 7 ngày sau đã tự thành lập một công ty riêng", ông Quang nói.
Hôm nay nghỉ việc tại một công ty môi giới, 7 ngày sau đã tự thành lập một công ty riêng.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiếp thị của Công ty CP Đầu tư Nam Long
Theo ông, những doanh nghiệp hoạt động không tốt chỉ chiếm số ít, nhưng làm ảnh hưởng cả khách hàng lẫn chủ đầu tư.
Có trường hợp môi giới F1 làm tốt, nhưng đến F2 và các cấp dưới hơn quy mô nhỏ nên họ bán hàng mà không quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu cho chủ đầu tư hay chăm sóc khách hàng trong tương lai, chỉ chăm chăm hoàn thành giao dịch.
Cùng chung quan điểm này, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết luôn lựa chọn kĩ đối tác phân phối khi mở bán sản phẩm. Tuy nhiên, nỗi lo với thị trường thứ cấp luôn thường trực bởi chủ đầu tư khó kiểm soát lực lượng này.
"Thậm chí, không chỉ chúng tôi mà rất nhiều chủ đầu tư hàng đầu khác thường xuyên bị nhái trang web, fanpage. Điều này khiến chúng tôi gặp khó khăn trong bảo vệ thương hiệu", bà Nguyễn Hương chia sẻ.
Do đó, bà cho rằng nên xây dựng quy chuẩn cho cả nhà môi giới cá nhân lẫn tổ chức, trong đó đưa ra cách thức quản lý và giám sát chặt chẽ nhằm xây dựng môi trường bất động sản bền vững.
Hoàn thiện pháp lý, minh bạch thông tin
So sánh với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Minh Quang cho rằng môi giới ngành này chỉ phục vụ số ít nhà đầu tư tài chính, nhưng môi giới bất động sản tác động hướng đến đại đa số người dân.
"Việc mua một căn nhà, nơi ở là mong ước cả đời của một con người, nhưng luật quy định trong chứng khoán rất chặt chẽ với chế tài kĩ càng, còn trong môi giới bất động sản lại có nhiều lỗ hổng và độ trễ thực thi", ông Quang nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhấn mạnh cần một cuộc tổng rà soát để nhận diện nguyên nhân.
"Hiện không phải nhà môi giới nào cũng hiểu kiến thức pháp luật. Trong 300.000 nhà môi giới hiện nay, có bao nhiêu người đã học và được cấp chứng chỉ hành nghề?", ông Khởi đặt câu hỏi.
Vị này cho biết ở góc độ quản lý Nhà nước, Nghị định 16/2022 vừa có hiệu lực hồi tháng 3 đã nâng mức xử phạt từ 3-4 lần so với Nghị định 139/2017, cho từng hành vi vi phạm cụ thể. Chẳng hạn, môi giới hoạt động không có chứng chỉ hành nghề có thể bị phạt đến 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trao đổi với các nhà môi giới và chủ đầu tư tại tọa đàm. Ảnh: T.N. |
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký VARS, từ Nghị định 139 không có thống kê nào cho thấy bao nhiêu nhà môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề, bao nhiêu người bị xử phạt. Do đó, ông không nghĩ Nghị định 16 có thể giải quyết được vấn đề này.
Tham khảo kinh nghiệm các nước khác, ông nhìn nhận đang có sự buông lỏng thông tin trên thị trường. Hiện nay việc rao bán dự án, tài sản sai về vị trí, giá bán, vẽ dự án để bán đất cá nhân hay rao bán những dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh... diễn ra nhan nhản.
"Nguyên nhân là sản phẩm bất động sản có nhu cầu cao, lại mang giá trị lớn nên thu hút hoạt động của môi giới. Mặt khác, khuôn khổ pháp luật chưa hoàn thiện khiến nguồn cung sản phẩm đủ điều kiện kinh doanh bị hạn chế, đôi khi vì quy định quá khắt khe mà tạo ra những vi phạm một cách bất đắc dĩ", ông Trần Minh Hoàng nói thêm.
Do đó, ông đề xuất tăng cường minh bạch thông tin, thông qua việc cấp mã số hành nghề cho môi giới bất động sản.