Ngày 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận). Quyết định này dựa trên đề nghị của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Theo đó, PMU Mỹ Thuận sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Như vậy bộ này sẽ có 11 PMU.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương từng được Cửu Long CIPM quản lý hợp đồng mua bán quyền thu phí. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của PMU Mỹ Thuận sẽ do Bộ trưởng GTVT quyết định. Theo thông tin từ tờ trình của bộ này, PMU Mỹ Thuận sẽ được thành lập dựa trên cơ sở dừng thí điểm mô hình Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM).
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Cửu Long CIPM sau khi giải thể sang PMU Mỹ Thuận bao gồm trụ sở làm việc, xe cộ, máy móc thiết bị. Các tài sản, nghĩa vụ liên quan còn lại được chuyển cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cửu Long CIPM từng được Bộ GTVT thành lập năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi PMU Mỹ Thuận (thành lập năm 1994), Công ty Quản lý và sửa chữa cầu đường 715 và Công ty Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ. Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thu hút vốn đầu tư để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông tương tự như mô hình VEC tại khu vực phía Bắc.
Tổng công ty này có số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng nhưng sau hơn 8 năm hoạt động vẫn chưa được cấp đủ vốn điều lệ (hiện chỉ có hơn 130 tỷ đồng). Doanh nghiệp cũng chưa được giao quản lý tài sản là các dự án hoàn thành có giá trị theo đề án thành lập, chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn thương mại để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, Cửu Long CIPM không thể tiếp tục hoạt động và rất cần thiết phải kết thúc mô hình thí điểm để có phương án tổ chức cho phù hợp.