Ngày 5/11, ông Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý “hố tử thần” xảy ra ở thôn 2, xã Quý Lộc, huyện Yên Định. Theo đó, vài ngày tới, “hố tử thần” sẽ được san lấp bằng vật liệu đất sét và đá thải.
Việc san lấp hố sụt lún phải được thực hiện theo quy trình: lấp bằng vật liệu đá thải đến độ cao cách miệng hố khoảng 7m; sau đó, lấp đất sét đồi đến khi đầy miệng hố.
Sau khi lấp, khu vực vẫn giữ nguyên cảnh báo, cấm người và phương tiện giao thông đi lại trên miệng hố để theo dõi sụt lún cho đến khi có thông báo cho phép.
Trong vài ngày tới, "hố tử thần" dự kiến sẽ được san lấp bằng đá thải và đất sét. Ảnh: Duy Cảnh. |
Chủ tịch tỉnh yêu cầu xã Quý Lộc tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm người dân khoan giếng để lấy nước ngầm quanh hiện trường. Nhằm giảm tác động địa chất khiến “hố tử thần” mở rộng diện tích, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng nước tại các giếng đã khoan.
Về lâu dài, để hạn chế tối việc “hố tử thần” gây xáo trộn cuộc sống, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chính quyền địa phương bố trí sắp xếp nơi ăn chỗ ở đảm bảo cho người dân. Nếu tình hình khả quan thì nên đưa dân quay trở lại ổn định cuộc sống.
Theo phương án của UBND tỉnh, huyện Yên Định sẽ chịu trách nhiệm thực thi san lấp. Kinh phí trước mắt trích từ ngân sách huyện.
Sau khi sự việc được giải quyết ổn thỏa, UBND tỉnh sẽ chủ động hoàn trả bằng ngân sách tỉnh.
Trước, trong và kể cả sau khi hố đã được lấp, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục cấm người dân qua lại hiện trường nhằm tránh rủi ro. Sau khi san lấp xong, lãnh đạo địa phương cử cán bộ túc trực, theo dõi biến động mặt đất để có biện pháp đối phó. Ảnh: Duy Cảnh. |
Trước đó, rạng sáng 28/10, một vụ sụt lún đất tạo “hố tử thần” tại thôn 2, xã Qúy Lộc. Gần 1 tuần sau khi sự việc xảy ra, giới chức đã phát hiện một hang Karst cạnh đáy hố. Trong khi các chuyên gia vẫn đang loay hoay đo đạc, đánh giá diện tích hang thì tình trạng sụt lún tiếp tục lan rộng, nhà dân bắt đầu rạn nứt.