Tối 11/9, CLB Hà Nội giành thắng lợi đậm 7-0 trước Cần Thơ ở tứ kết Cúp Quốc gia. Người mở đầu cho cuộc “dội bom” ấy là Nguyễn Thành Chung với pha chọn vị trí và dứt điểm gọn gàng.
Một lần nữa, Chung tỏa sáng với vai trò trung phong cắm khiến thầy Park cùng các cộng sự theo dõi từ khán đài mỉm cười. Nếu có duyên hơn, anh đã có thể mang về cho đội nhà nhiều hơn một bàn thắng sau hàng hoạt pha dứt điểm trong vùng cấm đội Cần Thơ.
Tiền đạo "tay ngang" Nguyễn Thành Chung thêm một lần ghi điểm trước sự chứng kiến của HLV Park. Ảnh: Việt Hùng. |
Từ khán đài, những người đồng đội ngoại như Rimario, Pape Omar gật đầu, vỗ tay tán thưởng cho màn trình diễn của Thành Chung. Anh có màn đóng thế hoàn hảo cho vai diễn vốn thuộc về các cây săn bàn chủ lực của CLB Hà Nội, những người không được đăng ký thi đấu theo quy định của Cúp Quốc gia.
Tính cả trận gặp CLB TP.HCM ở V.League và 2 trận giao hữu với CLB Viettel trước đó, Thành Chung đã nổ súng 5 lần liên tiếp trong vai trò tiền đạo cắm. Phong độ ghi bàn mùa trước của Thành Chung cũng không hề thua kém những đồng đội tuyến trên như Hùng Dũng hay Quang Hải.
Chung ghi bàn không chỉ ở CLB mà còn lập công ở các đội tuyển quốc gia, như bàn thắng cứu nguy cho U22 Việt Nam trước Indonesia ở SEA Games 2019 là một ví dụ.
HLV Chu Đình Nghiêm đã sử dụng Thành Chung như một biến số trong công thức giải quyết khủng hoảng mùa này. HLV trưởng Park Hang-seo thậm chí có thể xem xét sử dụng Thành Chung giống như cách CLB Hà Nội đang làm. Đó là đôn Chung lên đá tiền đạo cắm trong những thời điểm phù hợp.
Thành Chung có khả năng dứt điểm tương đối chuẩn xác trước khung thành. Ảnh: Việt Hùng. |
“Tôi không dám nói trước về cơ hội của Thành Chung ở tuyển quốc gia, đó là quan điểm của HLV trưởng. Phương án đưa Chung lên đá cắm không phải bây giờ tôi mới thực hiện. Tôi đã thử nghiệm Chung từ nhiều năm trước rồi”, HLV Chu Đình Nghiêm trả lời câu hỏi của Zing khi nhận xét về Thành Chung.
Bản năng săn bàn của Thành Chung được thừa nhận bởi cả những người làm chuyên môn. Các bàn thắng của Chung được ghi theo nhiều phong cách: đánh đầu, dứt điểm bóng sống, pressing, bắt hậu vệ đối phương phạm sai lầm.
BLV kỳ cựu Vũ Quang Huy từng nhận định với Zing: “Thành Chung không chỉ biết chạy chỗ mà còn có thể tỳ đè, làm tường không kém những tiền đạo thực thụ”.
HLV Nguyễn Công Tuấn của CLB Hà Nội từng nhận xét về khả năng thích nghi của cậu học trò: “Thành Chung là ví dụ cho việc các tiền đạo CLB Hà Nội luôn biết cách đáp ứng yêu cầu chiến thuật của ban huấn luyện”.
Hiệu suất làm bàn của Thành Chung rất ấn tượng ngay cả khi so với những tiền vệ hàng đầu. Đồ họa: Minh Phúc. |
HLV Park gặp khó ở bài toán tiền đạo? Ông có thể xem Thành Chung như lời giải. Vị trí trung phong trên hàng công tuyển Việt Nam lúc này không có nhiều nhân sự đáng tin cậy ngoài Nguyễn Tiến Linh. Sự trỗi dậy của Chung là thông điệp đầy thách thức cho chính những đồng đội đá tiền đạo cắm.
Chơi tốt ở SEA Games 30 nhưng khi về V.League, Hà Đức Chinh vẫn chật vật tìm lại bản năng săn bàn. Nguyễn Công Phượng từng được HLV Park xếp đá cắm vài lần ở Asian Cup 2019 nhưng anh ngày càng được tối ưu vai trò hộ công hoặc tiền đạo cánh khi về với HLV Chung Hae-seong.
Trong khi đó, Nguyễn Anh Đức vừa tái xuất trong màu áo HAGL ở tuổi 35, nếu có trở lại tuyển trong năm 2021, anh cũng khó duy trì được thể trạng năm xưa. Bối cảnh ấy có thể mở ra cơ hội mới cho Thành Chung, người vốn đã khẳng định được năng lực trong mắt HLV Park ở vai trò trung vệ.
Hai năm qua, Thành Chung chưa có trận chính thức nào cho tuyển Việt Nam dù anh luôn có tên trong mọi đợt tập trung kể từ U23 châu Á 2018. Cơ hội của Thành Chung từng bị hạn chế rất nhiều bởi những đồng đội đẳng cấp gồm Đình Trọng, Duy Mạnh, Tiến Dũng và Ngọc Hải. Nhưng giờ thì 2 trong số đó đang phải nghỉ dài hạn. Thành Chung vì thế nổi lên như là sự thay thế hợp lý nhất.
Với một HLV ưa chuộng các cầu thủ đa năng như thầy Park, cầu thủ như Thành Chung chắc chắn sẽ có đất diễn. Cứ tiếp tục chơi thăng hoa ở CLB, một suất đá chính ở tuyển sẽ ở rất gần Thành Chung.