Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thẳng thắn nêu tên cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra những khó khăn, rào cản, đặc biệt từ chính sách để Chính phủ lắng nghe, khắc phục.

Nhắc đến việc nhiều vận động viên đạt thành tích cao ở SEA Games 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng từ “xả thân” để nói với cộng đồng doanh nhân tại cuộc đối thoại tổ chức vào sáng 23/12. Ông mong muốn cộng đồng doanh nhân cũng có khát vọng, tạo năng lượng để đưa đất nước tiến lên trong thời gian tới.

thu tuong doi thoai voi doanh nghiep anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.

Tăng trưởng có góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp

Dù chưa đến 10 ngày nữa kết thúc năm 2019, Thủ tướng đưa ra một số thông tin tổng thể về kết quả kinh tế - xã hội. Ông cho biết dù bối cảnh khu vực và toàn cầu suy giảm tăng trưởng, GDP Việt Nam vẫn tăng trên 7%, thuộc hàng cao nhất khu vực và thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết năm 2019, Việt Nam tiếp tục duy trì môi trường kinh doanh vững chắc, lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá ổn định. Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục trên 9 tỷ USD. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam đạt cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có.

Cuộc sống nhân dân bình yên, ổn định. Một số chỉ số thâm hụt ngân sách, nợ công giảm. Điển hình, tỷ lệ nợ công còn 56% GDP tạo dư địa rất lớn để huy động vốn vào phát triển hạ tầng. Thu hút FDI tăng 32 tỷ USD, giải ngân đạt 17,7 tỷ USD, cao nhất trong các năm gần đây.

Năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45% theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam giảm nghèo tốt, đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh, hiện trên 15%. Chính phủ phấn đấu trước 2030, tầng lớp trung lưu tăng lên 50% dân số, tạo nên một thị trường hấp dẫn.

“Nhiều nước trên thế giới cho rằng Việt Nam có sự phát triển thần kỳ, đồng đều các thành phần dân cư, mọi người đều có thu nhập, đều có sự phát triển trong từng gia đình, từng làng xã”, ông nói.

Thủ tướng đánh giá đóng góp vào thành quả của năm 2019 và xuyên suốt hơn 30 năm đỏi mới, có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, thậm chí là thầm lặng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Chỉ rõ cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà

Theo Thủ tướng, năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện lớn, là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước…

Nhắc lại những chỉ tiêu tham vọng đặt ra cho năm 2045, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, người đứng đầu nhấn mạnh: “Chúng ta có vươn lên cột mốc lịch sử đó hay không phụ thuộc rất lớn vào nền tảng của cộng đồng doanh nghiệp gây dựng hôm nay”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Chính phủ hiểu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản.

thu tuong doi thoai voi doanh nghiep anh 2

Thủ tướng dự hội nghị cùng các thành viên Chính phủ. Ảnh: Hoàng Hà.

Do đó, Chính phủ cần hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, phát triển bền vững, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Ông mong muốn doanh nghiệp mạnh dạn nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc về các vấn đề: Quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, công nghệ, lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, xử lý nước thải…

“Doanh nghiệp có thể thẳng thắn nêu khó khăn về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kèo dài; cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi có ý kiến trái chiều, phản biện chính sách”, ông nói.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp chỉ rõ bộ ngành nào có văn bản bất hợp lý, gây cản trở, không phù hợp môi trường kinh doanh. Cơ quan nào, địa phương nào gây nhũng nhiễu phiền hà…

“Doanh nghiệp không được làm ẩu”

Trước những thách thức, khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy giảm, chiến tranh thương mại, rào cản ở các hiệp định thương mại, thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0, người đứng đầu Chính phủ mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua thách thức.

Ông mong doanh nghiệp đóng góp các giải pháp nâng cao tỷ lệ nội hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt có thể phản ánh kết quả của các cuộc gặp gỡ trước đây đã khá hơn hay không. Doanh nghiệp có thể phản ánh sự trì trệ ở các thành phố lớn.

thu tuong doi thoai voi doanh nghiep anh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số gian triển lãm sản phẩm Việt bên lề hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để nâng cao sự tương tác các bộ ngành, địa phương, để thu hút đầu tư. Doanh nghiệp có thể chia sẻ sáng kiến hay, mô hình hay của ngành hàng mình, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Song song với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh doanh nghiệp không được làm ẩu, vi phạm pháp luật. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, tòa án cần thực sự trận trọng quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản… theo Hiến pháp và pháp luật.

“Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu trên tinh thần cởi trói, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp. Sau hội nghị Chính phủ sẽ có một nghị quyết riêng để định hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông nói.

Lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp đối thoại với Thủ tướng

Sáng 23/12, Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ dự hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Đây là lần thứ ba từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng chủ trì một hội nghị tương tự.

Đây là sự kiện lần thứ ba Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ. Tới dự sự kiện năm nay còn có 3 Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng một số Bộ trưởng: Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên & Môi trường; Tư pháp, Công Thương; Khoa học & Công nghệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước... cũng tham dự.

Theo ban tổ chức, có khoảng 1.600 đại biểu là lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước. Ngoài ra còn có lãnh đạo các địa phương Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Nam, Long An...; các hiệp hội; chuyên gia; tổ chức quốc tế...

Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà

Bạn có thể quan tâm