Một nhóm cổ đông của Facebook đang tìm cách thay đổi cơ cấu quyền lực kép, vừa là CEO vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, của nhà sáng lập Mark Zuckerberg.
Kế hoạch đã được đệ trình bằng văn bản chính thức lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Cổ đông Facebook cho rằng việc Mark Zuckerberg vừa quản lý điều hành, vừa giám sát làm suy yếu hội đồng quản trị khiến cho mạng xã hội này xử lý sai lầm một số vấn đề quan trọng.
Mark Zuckerberg đang sở hữu quyền lực tối thượng tại Facebook. Ảnh: AP. |
Theo Business Insider, cuộc họp cổ đông thường niên của Facebook diễn ra vào ngày 30/5 sẽ bỏ phiếu các phương án thay đổi cấu trúc quản trị của công ty.
"Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2012. Cổ phần hai lớp của ông mang đến khoảng 60% quyền biểu quyết tại Facebook, vượt lên trên hội đồng, ngay cả khi có một giám đốc độc lập thì chỉ có thể hạn chế quyền lực của Zuckerberg", nhóm cổ đông tuyên bố.
Mark Zuckerberg đang đối mặt với sự phản đối từ bên trong nội bộ Facebook. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi tin rằng điều này làm suy yếu khả năng quản trị và giám sát của Facebook. Chọn một Chủ tịch độc lập sẽ giúp CEO tập trung vào việc quản lý công ty và cho phép Chủ tịch tập trung vào giám sát và định hướng chiến lược", nhóm này tuyên bố.
Nói cách khác, các nhà đầu tư của Facebook nghĩ rằng một mình Zuckerberg vừa kiểm soát vừa điều hành sẽ không tốt cho việc kinh doanh. Họ đưa ra vài ví dụ chứng minh về điều này như: Bê bối xung quanh sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử ở Mỹ, vụ rò rỉ dữ liệu người dùng của Cambridge Analytica, việc bỏ mặc các nhà sản xuất tự ý sử dụng thông tin người dùng, làn sóng tin tức giả mạo, quảng cáo nhắm mục tiêu có tính chất phân biệt chủng tộc...
Nhóm cổ đông còn viện dẫn cơ cấu tại các tập đoàn công nghệ lớn gồm Google, Microsoft, Apple, Oracle và Twitter đều tách riêng biệt vai trò của Tổng Giám đốc điều hành (CEO) và Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tính từ tháng 4/2018, có 59% công ty nằm trong nhóm S&P500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ) đã áp dụng cơ cấu này.
Tuy nhiên, khả năng "phế truất" Mark Zuckerberg không cao. Có tổng cộng 8 đề xuất cải tổ, và ông chủ Facebook chắc chắn dùng quyền lực phủ quyết bằng số phiếu bầu áp đảo của mình để chôn vùi các phương án đòi lật đổ ông.
Hiện Facebook chia cổ phần thành hai loại. Cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Zuckerberg đang sở hữu hơn 2/3 số cổ phiếu loại B, chiếm hơn nửa quyền biểu quyết trong công ty, tương ứng với khả năng kiểm soát mọi vấn đề, quyết định.
Đây không phải là lần đầu cổ đông kêu gọi hạn chế quyền lực tối thượng của Mark Zuckerberg. Một đề xuất tương tự vào năm 2017 đã bị bác bỏ với quyền bỏ phiếu áp đảo của nhà sáng lập Facebook.