Ngày 9/9, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc PCCC TP.HCM cho biết trước sự hy sinh dũng cảm của thượng úy Phạm Phi Long trong lúc chữa cháy, Bộ Công an đồng ý xét thăng quân hàm trước niên hạn từ thượng úy lên đại úy.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã có văn bản báo cáo với Bộ Công an để đề xuất với Nhà nước xét Huân chương dũng cảm cho thượng úy Long.
Vợ thượng úy Long đau đớn trong lễ tang chồng. Ảnh: Lê Quân. |
Theo đại tá Bửu, việc thượng úy Long hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ là do những yếu tố bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn. Cảnh sát PCCC TP.HCM nói riêng và toàn bộ lãnh đạo, cán bộ của ngành công an, người dân đều đau đớn, tiếc thương.
Tinh thần của thượng úy Long cũng như nhiều chiến sĩ chữa cháy khác, đối với một đám cháy là phải lăn xả để cứu cái còn trong cái mất, để cố gắng dập tắt gốc lửa. "Trong quá tình tác nghiệp, giữa cái nóng, cái khói, giữa cái ngổn ngang công việc cần phải xử lý thì người chiến sĩ chữa cháy thì không thể tránh những bất trắc có thể xảy ra”, đại tá Bửu chia sẻ.
Trước đó, khuya 7/9, căn nhà một trệt một lầu nằm trên đường số 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TPHCM) bất ngờ bùng cháy. Nhận tin báo, lực lượng PCCC TP.HCM đã điều động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ đến hiện trường, tiếp cận đám cháy.
Người thân, đồng đội thương tiếc đồng chí Phạm Phi Long. Ảnh: Lê Quân. |
Trong quá trình dập lửa, tầng 1 của căn nhà bất ngờ đổ sập, đè trúng thượng úy Phạm Phi Long gây tử vong. Hạ sĩ Phạm Tấn Quốc (24 tuổi) cùng Bùi Văn Dũng (20 tuổi) bị thương.
Trước sự quên mình của các chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh thành... đã đến viếng, thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sĩ gặp nạn.
Thượng úy Phạm Phi Long ra đi khi con còn nhỏ, người vợ đang mang bầu tháng thứ 8.