Sau Pocophone F1, thị trường di động Việt lại tiếp tục xuất hiện cái tên Realme, được cho là "kẻ phá giá" mới. Với 2,5 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một smartphone với chip Snapdragon 450, RAM 2 GB, bộ nhớ trong 16 GB, camera kép, thiết kế thời trang và một viên pin 4.230 mAh.
Với chiếc máy khác có cấu hình tương tự như vậy nhưng đến từ Oppo, thương hiệu mẹ của Realme, lại có giá 3,7 triệu đồng.
Nhờ cấu hình và giá bán này, Realme C1 là chiếc máy duy nhất có camera kép và sử dụng chip Snapdragon 450 trong phân khúc.
Chiến lược "mẹ bồng con"
Realme 2 Pro sở hữu màn hình "giọt nước" sao chép từ Oppo F9 Pro và Vivo V11 Pro - hai thương hiệu của cùng công ty BBK.
Trên danh nghĩa, Oppo và Realme được hiểu là hai công ty độc lập. Chính Realme cũng nhiều lần khẳng định họ tách biệt khỏi Oppo. "Chúng tôi hoàn toàn tách biệt với thương hiệu Oppo. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy sản xuất ở Ấn Độ. Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ ở Trung Quốc", Levi Lee, giám đốc sản phẩm của Realme cho biết trong một sự kiện ở Ấn Độ.
Realme được thành lập vào tháng 4/5/2018. Đến tháng 7, sau khi ra mắt Realme 1, thương hiệu con của Oppo mới tuyên bố hoạt động độc lập. Ảnh: FPTShop. |
Tuy vậy, theo EconomicTimes, từ giám đốc điều hành, nghiên cứu phát triển, cấu hình cho đến xưởng lắp ráp của Realme đều có bóng dáng Oppo. Ngoài ra, Realme hiện cũng sử dụng 500 trung tâm dịch vụ của Oppo tại Ấn Độ.
Ấn Độ là được xem là "miền đất hứa" của các hãng di động. Oppo đã đổ rất nhiều tâm huyết cho việc xây dựng thương hiệu tại thị trường này. Sau những nỗ lực đó, Oppo đang đứng vị trí thứ 3 thị trường di động tại Ấn Độ với 11% thị phần trong quý II/2018. Theo trang công nghệ Eoto của Ấn Độ, Oppo là thương hiệu được người dân ở đây biết đến với tính năng và thiết kế sản phẩm bắt mắt.
Quay lại với Realme, dựa vào Oppo, thương hiệu này đã nhanh chóng tiếp cận tới người dùng Ấn Độ mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền marketing. Khi chiếc Realme 1 ra mắt hồi tháng 5, Realme vẫn là một phần của Oppo. Theo Eoto, nếu ngay từ đầu Realme không gắn mình với Oppo, sẽ chẳng ai biết tới thương hiệu này.
Không chỉ tiết kiệm được chi phí quảng bá, Realme còn có được lợi thế về mặt thương hiệu từ thiện cảm người dân dành cho Oppo.
Phần mềm và thiết kế của một chiếc smartphone khiến các hãng mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và phát triển. Một số công ty mất nhiều năm để nghiên cứu cách tạo ra xu hướng di động mới. Nhưng với Realme, hãng vay mượn gần như toàn bộ, từ ngôn ngữ thiết kế đến phần mềm từ thương hiệu mẹ Oppo.
Realme 1 có thiết kế giống Oppo F7, Realme 2 Pro giống Oppo F9 Pro. Bên cạnh đó, toàn bộ sản phẩm Realme 2, 2 Pro, C1... đều sở hữu cùng một viên pin 4.230 mAh tương tự Oppo A3s. Ngoài ra, cấu hình của Oppo A3s được Realme sao chép gần như tuyệt đối.
Nền tảng hệ điều hành là một trong những sản phẩm đòi hỏi thời gian nghiên cứu nhiều nhất. Phần mềm chính là chất riêng của một hãng công nghệ. Ngay cả ông lớn như Samsung cũng mất nhiều thời gian để có thể nhận ra những hạn chế của Touchwiz, sau đó tối ưu cho tốt hơn.
Realme vừa ra mắt đã "thửa" toàn bộ hệ điều hành ColorOS 10 năm tuổi của Oppo. Về sản phẩm, Realme đã giải quyết bài toán chi phí. Thương hiệu con của Oppo không mất công nghiên cứu, sản xuất, đào tạo nhân sự, quảng bá, cửa hàng.
Dựa vào Oppo, Realme thỏa thích phá giá?
Có cấu hình và thiết kế tương tự Oppo A3s bản 32 GB, Realme 2 có giá rẻ hơn 1,2 triệu đồng. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Oppo không giảm giá A3s mà phải ra mắt một mẫu máy tương tự với giá thấp hơn 25% chỉ sau 1 tháng ra mắt?
Oppo không phải thương hiệu di động duy nhất có thương hiệu con. Xiaomi có Pocophone, Huawei có Honor. Với Xiaomi, họ muốn thoát khỏi cái mác điện thoại giá rẻ bằng cách tạo ra một thương hiệu giá rẻ khác, đẩy các sản phẩm của mình lên mức giá cao hơn.
Trong khi đó, Oppo chọn con đường tạo ra một thương hiệu bán tất cả những sản phẩm của mình với mức giá rẻ hơn mà không phải tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Realme kinh doanh qua kênh trực tuyến như Xiaomi, hãng chỉ bán flash sale và không làm thương hiệu nhiều.
Theo Eoto, với Realme, Oppo có thể vững tin hướng đến những phân khúc tầm trung hay cao cấp với F9 Pro hay Find X mà không lo smartphone phổ thông bị bỏ lỡ. Bên cạnh đó, Oppo cũng không cần lo lắng hình ảnh thương hiệu bị xáo trộn khi Realme tất tay phá giá thị trường bằng những smartphone có thiết kế và cấu hình tận dụng từ các sản phẩm của mình.
Tạo thương hiệu con, bán hàng trực tuyến, hướng tới người trẻ là cách làm mà Huawei từng sử dụng khi tạo ra Honor. Tuy nhiên, hai thương hiệu này bắt đầu cho thấy sự độc lập qua việc chồng chéo giá các sản phẩm trong phân khúc với nhau.
Các sản phẩm của Realme đều có giá thấp hơn Oppo ở cùng cấu hình. Điều này được thể hiện rõ qua giá bán của nhiều sản phẩm. Sự độc lập trong kinh doanh vẫn chưa thật sự dễ nhận thấy ở hai thương hiệu này bởi cả hai không dám cạnh tranh nhau, điều có thể thấy ở Honor và Huawei.
Cuộc đua bán trăm nghìn máy trong vài phút
Tháng 8/2018, theo thông tin từ Xiaomi Ấn Độ, hãng đã bán được hơn 300.000 chiếc Redmi Note 5 Pro chỉ trong 3 phút mở bán. Thậm chí, do không đủ máy cung cấp cho người dùng trong ngày mở bán đầu tiên, hãng phải hủy nhiều đơn đặt hàng.
Trước đó, Redmi Note 5A, một phiên bản giá rẻ của Redmi Note 5 cũng đạt được nhiều thành công. Trong khi model chủ lực phân khúc giá rẻ của Samsung là Galaxy J2 Pro bán được hơn 2,3 triệu chiếc trong quý II năm 2018 tại Ấn Độ thì Xiaomi bán 3,3 triệu chiếc Redmi 5A. Điều này góp một phần không nhỏ đưa Xiaomi chiếm vị trí đầu bảng tại thị trường đông dân thứ 2 thế giới.
Theo Canalys, quý II/2017, Xiaomi và Oppo nắm giữ thị phần lần lượt là 18% và 13%. Nhưng sau thành công của dòng Redmi, quý II/2018, con số này là 30% và 11%.
Trước sự sa sút này, tháng 5/2018, Oppo quyết định thành lập thương hiệu con Realme để đánh trực diện vào dòng điện thoại giá rẻ.
Bị Xiaomi, Vivo vượt mặt tại Ấn Độ, Oppo buộc phải hành động để dành lại một ít thị phần. |
Kết quả, Realme 1 bán được hơn 400.000 bản trong 30 ngày đầu tiên trên Amazon India, Realme 2 bán được 200.000 bản trong 5 phút độc quyền trên Flipkart. Con số khá ấn tượng nhưng không thể giúp Oppo vượt qua Xiaomi về lượng máy bán ra.
Kết quả kinh doanh quý III/2018 cho thấy việc tạo ra Realme là hướng đi đúng đắn của Oppo. Theo Canalys, quý III/2018, Oppo đạt 8,8% thị phần tại Ấn, giảm 1% thị phần so với cùng kỳ 2017 và tuột xuống hàng 4 sau Vivo. Tuy vậy, Realme đạt thị phần 1,9% với 800.000 model được bán ra.
Nếu không có Realme kìm hãm đà suy sút, có lẽ Oppo đã rớt xuống hạng 5 thị phần tại Ấn Độ. Cần chú ý việc Canalys gộp số liệu của Realme vào Oppo dù đây là hai thương hiệu "độc lập".
Tuy vậy, chiến lược "thương hiệu con bán online" của Realme không mấy hiệu quả tại Việt Nam khi ngày đầu mở bán, con số đặt hàng chỉ dừng lại 259 khách hàng đặt cọc qua Thế giới di động và 43 khách qua Fptshop. Đây là hai nhà bán lẻ quan trọng khi tổng thị phần chiếm 2/3 thị trường.
Realme được thành lập vào tháng 4/5/2018. Đến tháng 7, sau khi ra mắt Realme 1, thương hiệu con của Oppo mới tuyên bố hoạt động độc lập. Tại Ấn, người dùng hiểu được Realme là của ai. Trong khi đó, Realme vào Việt Nam ở thế hệ hai, sau thời điểm tuyên bố hoạt động độc lập.
Vì vậy, cùng mở bán qua kênh trực tuyến như thị trường Ấn Độ nhưng Realme tại Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm từ người dùng. Khác biệt nằm ở chỗ trên chiếc Realme 1, logo Oppo vẫn xuất hiện trên thân máy. Nhưng với Realme 2 bán lần đầu tại Việt Nam, logo Oppo không còn hiện diện.