Ở tuổi 17, đôi bàn tay đầy sẹo, vết bỏng cùng những ngón tay bị bẻ quặp gợi lại cho San Kay Khine những năm tháng nô lệ cô vừa trải qua. Đầu tháng này, Khine được giải cứu khỏi một hiệu may ở cố đô Yangon của Myanmar, sau 5 năm làm nô lệ trong ngôi nhà này cùng một người bạn trong làng của mình.
Bàn tay đã bị biến dạng sau nhiều lần bị bẻ của Khine. Ảnh: AFP |
Khine là một trong hàng chục ngàn trẻ em từng những vùng nông thôn bị đưa lên thành phố để làm việc trong những gia đình giàu có ở thành thị với mong ước giúp đỡ gia đình mình. Các tổ chức nhân quyền khuyến cáo những đứa trẻ này đứng trước nguy cơ rất lớn bị xâm hại và bị bóc lột, theo AFP.
Dù vậy, hiện chưa có nghiên cứu nào toàn diện để tìm hiểu tình trạng này, trong khi hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh ở Myanmar vẫn tạo ra lợi thế cho người có tiền.
"Bàn ủi ủi ấn vào chân em"
Khine vẫn không thể kể về những điều em đã trải qua trong thời gian nô lệ, mặc cho những ngón tay bị bẻ quặp chính là do người chủ gây nên. Khine chỉ luôn miệng nói rằng em muốn về nhà. Thazin, 16 tuổi, người sống cùng Khine trong tiệm may, thì nói: "Em vẫn còn vết sẹo vì bị ấn bàn ủi vào chân, trên đầu em cũng có sẹo".
"Vết sẹo đó là do dao, sau khi họ không hài lòng về món ăn em nấu", Thazin kể lại.
Khine và Thazin đã phải sống nhiều năm với những vết dao cắt vào người, những lần bị đánh, bị bỏ đói và thiếu ngủ. Một vài ngày may mắn, các em sẽ được ném cho ít tiền.
Thazin tại ngôi làng của cô sau khi được giải cứu. Ảnh: AFP |
Hai cô gái này, như rất nhiều lao động trẻ em khác, được một người bạn dụ dỗ lên Yangon với hứa hẹn công việc lương cao. Sau nhiều năm sống kiếp nô lệ và sự giải cứu thất bại từ gia đình, hai em chỉ vừa được cứu thoát hồi tuần trước khi một nhà báo thông báo việc này với Hội đồng nhân quyền quốc gia.
Người chủ tiệm may và hai con của bà này đã bị bắt giữ, bị truy tố tội buôn người. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi vẫn chưa buông bỏ Khine và gia đình. Mẹ Khine nói rằng gia đình người chủ cũ đã dọa sẽ tố cáo con bà ăn cắp, và bỏ tù em.
Luật pháp bất lực
Giải quyết nạn sử dụng sức lao động trẻ em là một trong những hứa hẹn của chính phủ mới tại Myanmar. Nước này đứng thứ 7 toàn thế giới về độ nghiêm trọng của vấn nạn này.
Theo điều tra vào năm 2014 của Liên Hiệp Quốc, 1,7 triệu trẻ em Myanmar tuổi từ 10 - 17 đang phải lao động, tức cứ 5 em trong độ tuổi đó thì có 1 em phải bán sức mình. Trong khi đó, luật pháp Myanmar quy định không được thuê trẻ em dưới 14 tuổi làm việc.
Ở Yangon, người ta có thể thấy một vài đứa trẻ trong số này lặng lẽ lau bàn tại những quán trà, trong khi hàng ngàn đứa trẻ khác đang làm đủ loại công việc mà không được nhìn thấy. Phần lớn các em đến từ những khu vực nghèo đói, bất ổn hoặc bị thiên tai hoành hành.
Việc sử dụng trẻ em làm lao động vẫn phổ biến ở Myanmar, đặc biệt tại những thành phố lớn như Yangon. Ảnh: AFP |
"Chúng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất", Aung Myo Min - Giám đốc Equality Myanmar, một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ những người từng là lao động trẻ em - cho biết. "Rất nhiều em sống trong sự sợ hãi. Chúng thấy mình vô giá trị. Chúng đã đánh mất tuổi thơ và không có cách gì lấy lại những năm tháng đó", ông nói.
Chính phủ Myanmar gần đây đã tạm thời cấm phụ nữ đến Hong Kong và Singapore làm việc, sau việc một số người giúp việc đến từ Đông Nam Á bị người chủ tại Hong Kong đánh đập. Tuy nhiên, có vẻ như bên trong Myanmar, những đứa trẻ làm giúp việc vẫn không được pháp luật bảo hộ. Rất nhiều em sợ hãi việc phải đến cảnh sát.
"Nạn tham nhũng tràn lan, các gia đình chủ đưa tiền cho cảnh sát để bịt miệng họ", ông Min nói.
Khine nói rằng cảnh sát đã không làm gì, mặc cho gia đình em nhiều lần trình báo yêu cầu giải cứu em khỏi tiệm may. Cuối cùng, gia đình nhận được gần 4.000 USD tiền bồi thường từ gia đình người thợ may.
Còn mẹ Khine nói rằng bà sẽ không bao giờ để con gái mình đi làm ở đâu nữa.