Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tháng 7 là tháng nóng kỷ lục trong hơn một thế kỷ qua

Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua. Từ Alaska, Canada, châu Âu cho tới Ấn Độ, cái nóng đi đến đâu đều để lại dấu ấn khiến người dân “ngao ngán”.

Tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất của Trái Đất, kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ được ghi lại hơn một thế kỷ trước.

Khắp thế giới, cái nóng lịch sử đã để lại dấu ấn của mình. Một đài truyền hình ở Hà Lan phải chiếu liên tục cảnh trí mùa đông để người xem quên đi đợt sóng nhiệt trong giây lát.

Đường ray ở Thụy Sĩ được sơn màu trắng để chúng không dãn nở quá nhiều trong sức nóng cực độ. Ở cảng Antwerp, Bỉ, hai nghi phạm buôn ma túy gọi cảnh sát vì sợ chết ngạt trong container chứa đầy cocaine. Người dân Paris vào ngồi kín các rạp chiếu phim để tránh nóng. 

Chưa hết, có những nghiên cứu cho thấy liên hệ giữa nhiệt độ cao kỷ lục với biến đổi khí hậu, theo Washington Post.

Tháng nóng này cũng khiến lượng băng tan ở Greenland lên mức kỷ lục, đổ xuống Đại Tây Dương 197 tỷ tấn nước chỉ trong tháng 7, đủ để nước biển toàn cầu dâng 0,5 mm.

thang 7 nong ky luc anh 1
Một đoạn sông Loire khô hạn ở Pháp hôm 24/7. Ảnh: AFP.

Ở Alaska và các nơi khác quanh vùng Bắc Cực xảy ra các đợt cháy rừng lớn, thiêu rụi hàng triệu mẫu rừng và thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ.

Ở Canada, một trại quân đội ở Alert, Nunavut - nơi xa nhất về phía bắc có người sinh sống trên Trái Đất (cách Bắc Cực khoảng 966 km) - đạt nhiệt độ kỷ lục 21 độ C ngày 14/7, so với trung bình 7 độ C ở đây.

Một vườn thú ở Bỉ phải cho hổ ăn các cục thịt gà đông đá. Căn cứ không quân Kleine Brogel trong một thời gian ngắn giữ kỷ lục về nhiệt độ trên cả nước. Đây cũng là nơi mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tháng trước vô tình tiết lộ Mỹ cất giữ vũ khí hạt nhân, khiến người dân được một phen vừa đùa, vừa lo.

Ở Berlin, người dân truyền tay nhau bản đồ các địa điểm công cộng có điều hòa. Quạt và điều hòa cháy hàng, còn các tiệm lắp đặt phải cắt điện thoại vì quá tải cuộc gọi từ khách hàng.

thang 7 nong ky luc anh 2
Người dân lấy nước từ đài phun nước công cộng trước đền Pantheon ở Rome, Italy, hôm 25/7.

Nhiệt độ ở Ấn Độ tăng lên 38,9 độ C, chưa tệ bằng 46,7 độ C hồi tháng 6, nhưng vẫn ở mức kinh khủng. Cánh đồng trồng cây bông của Damodhar Ughade khô hạn, gia súc của ông chết dần, và làng hết nước uống.

“Cánh đồng của tôi bị vết nứt rộng khoảng 60 cm, thậm chí không thể đi lại”, ông nói với Washington Post.

Bốn năm trước, ở Paris, các lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu ngăn không cho Trái Đất nóng lên thêm 2 độ C. Nhưng cam kết của các nước cho đến nay quá khiêm tốn để đạt mục tiêu đó.

“Nếu chúng ta không hành động vì biến đổi khí hậu ngay bây giờ, thời tiết cực đoan như thế này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra lời kêu gọi vào tuần trước.

“Và, thực ra, chính tảng băng cũng đang tan rất nhanh”, ông nói một cách ẩn dụ.

Sóng nhiệt kỷ lục 'nướng chín' nhiều thành phố lớn ở châu Âu

Hàng chục thành phố ở châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong đợt nắng nóng mới nhất và đặt mức báo động cao, khuyến cáo người dân đảm bảo sức khỏe trước thời tiết khắc nghiệt.

Sau đợt nóng khiến phụ nữ khỏa thân, Pháp đón sóng nhiệt mới

Pháp đang phải chống chịu một đợt sóng nhiệt khác vào tuần này, trong khi cơ quan khí tượng quốc gia vừa nâng mức nhiệt kỷ lục lên 46 độ C ghi nhận được vào tháng 6 tại miền Nam.




Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm