Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tháng 3 chốt việc tăng giá điện

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ, nếu giữ giá điện thấp hơn giá thành như hiện nay, không doanh nghiệp nào muốn đầu tư làm điện và Chính phủ còn phải gánh hệ luỵ.

Tăng giá điện bao nhiêu và khi nào tiếp tục là câu hỏi nóng nhất tại cuộc họp báo của Bộ Công thương tổ chức chiều 2/2.

Người phát ngôn của Bộ này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong tháng 3 tới, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề liên quan đến giá điện, sau đó, Chính phủ sẽ có quyết định cụ thể.

"Trước đây, EVN cũng có đề xuất tăng giá bán lẻ điện lên 9,5% so với hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Công thương sẽ căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng tới đây, căn cứ vào tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định.

Trong giới hạn tăng giá điện từ 7-10% thì Bộ Công thương sẽ quyết, còn nếu giá điện tăng trên 10%, Bộ Công thương sẽ phải gửi phương án giá điện này sang Bộ Tài chính thẩm định, rồi sau đó trình Thủ tướng quyết định", ông Hải cho hay.

Tuy nhiên, đó là các mốc điều chỉnh được quy định ở Quyết định 69 của Thủ tướng. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN sửa đổi Quyết định này.

Dự kiến, cơ chế điều chỉnh giá điện mới sẽ theo hướng giảm biên độ điều chỉnh thuộc thẩm quyền của EVN từ 7% hiện nay xuống chỉ còn 3-5%. Hai Bộ Công thương - Tài chính chỉ làm hậu kiểm.

Giá điện sẽ không tăng trước Tết.

Giá điện sẽ không tăng trước Tết

Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Khi chưa có quyết định sửa đổi thì trước mắt, cơ chế giá điện sẽ vẫn phải theo Quyết định 69 với các tỷ lệ trên".

Đánh giá thêm về các nguyên nhân điều chỉnh giá, thứ trưởng Hải cho rằng, giá bán lẻ điện của Việt Nam vẫn đang thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng đã cảnh báo này.

Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài không muốn muốn đầu tư làm điện. Cuối cùng, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có mình EVN làm điện và vẫn mang tiếng là độc quyền.

"Khi giá điện thấp hơn giá thành, Chính phủ thành ra phải bù lỗ. Những ngành sử dụng nhiều điện như sắt thép, xi măng được dùng điện thấp hơn giá thành, tức là Chính phủ đã bù lỗ cho ngành xi măng, sắt thép. Chưa kể, Chính phủ còn phải bù lỗ cho việc hỗ trợ giá điện các hộ nghèo, khoảng 2,7 triệu hộ, mỗi hộ 30.000 đồng....

Ông Hải nói: "Cần phải để giá điện tiệm cận thị trường, tạo sự cạnh tranh, không để độc quyền. Khi tăng giá điện, đầu tiên là Chính phủ được lợi, nhưng sau đó là doanh nghiệp, người dân cũng sẽ được lợi vì sẽ không còn độc quyền. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh cũng phải đầu tư trang thiết bị tiên tiến tạo giá thành thấp".

Tất nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu, EVN cần phải giảm tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động, cần minh bạch giá điện.

"Trước mắt, giá điện sẽ không tăng trước Tết", ông Hải nhấn mạnh thêm.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/219945/thang-3-chot-viec-tang-gia-dien.html

Theo Phạm Huyền / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm