Một số người thân của hành khách Trung Quốc la ó trong khách sạn Sama-Sama tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur trước khi cuộc họp báo về máy bay mất tích diễn ra hôm 19/3. Họ cho rằng chính phủ Malaysia cũng như hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hành xử thụ động và cung cấp thông tin mâu thuẫn trong chiến dịch tìm máy bay mất tích, BBC đưa tin.
"Các người đã khiến chúng tôi thất vọng. Hãy cho chúng tôi biết sự thật", một phụ nữ hét lên.
Vài người Trung Quốc cầm biểu ngữ với nội dung cáo buộc chính phủ Malaysia không hành động quyết liệt để tìm máy bay mất tích.
"Ngoài giận dữ và khóc, chúng tôi chẳng còn cách nào khác để đối phó với hoàn cảnh trớ trêu này. Cách xử lý sự việc của các vị cho thấy hoặc các vị đang nói dối, hoặc các vị đang làm việc tồi", AFP dẫn lời một người trong đám đông.
Trong lúc các nhà quản lý và nhân viên của hãng hàng không Malaysia Airlines cố gắng khôi phục trật tự, nhân viên an ninh kéo hai phụ nữ Trung Quốc ra ngoài phòng họp báo vì họ gào thét và đưa sang một phòng khác, Sky News cho hay.
Một nhóm cảnh sát cũng ngăn cản một phóng viên BBC khi anh muốn tới gần nhóm người Trung Quốc cầm biểu ngữ để phỏng vấn.
"Hãy xem các người đã cung cấp những thông tin gì trong ngày hôm nay? Toàn những thông tin vụn vặt. Chúng tôi tới đây để làm gì ? Để biết người thân của chúng tôi và máy bay đang ở đâu", một người đàn ông hét về phía các nhà quản lý của MAS.
Một phụ nữ trung niên vừa khóc vừa nói: "Họ đưa ra thông tin trái ngược nhau hàng ngày. Giờ máy bay ở đâu? Hãy tìm những người thân của chúng tôi! Hãy tìm máy bay!".
Phóng viên BBC không thể tới nhóm người Trung Quốc cầm biểu ngữ để phỏng vấn vì mấy viên cảnh sát ngăn cản. Ảnh: BBC |
Sau đó cuộc họp báo vẫn diễn ra. Người đại diện chính phủ Malaysia nói rằng họ lấy làm tiếc vì tình trạng lộn xộn đã xảy ra, đồng thời cam kết họ sẽ điều tra sự việc. Tuy nhiên, trong lúc các nhà quản lý của MAS đang trả lời những câu hỏi của thân nhân hành khách, tình trạng ồn ào lại diễn ra. Một phụ nữ tiến về phía chiếc bàn mà các nhà quản lý của MAS ngồi để hỏi về việc tại sao bà phải trình giấy chứng nhận kết hôn với chồng, một hành khách trên chuyến bay MH370, mới được nhận phòng trong khách sạn.
"Chồng tôi đã ngồi trên máy bay đó, trong khi những người thân của tôi chẳng có chỗ ở trong suốt hai ngày qua", người phụ nữ hét lên.
Khi các nhà quản lý MAS giải thích rằng hãng cần giấy chứng nhận kết hôn nhằm phòng ngừa trường hợp ai đó nói dối hòng lọt vào khách sạn, một người đàn ông Trung Quốc tiến về phía chiếc bàn và quát: "Tại sao một người bình thường phải giả vờ rằng chồng đã lên chuyến bay mất tích để tới đây chứ?".
Một người đàn ông hét về phía các nhà quản lý của hãng Malaysia Airlines trong cuộc họp báo tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 19/3. Ảnh: Reuters |
Hôm qua ông Hishammuddin Hussein, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia, bác tin người dân trên đảo Maldives thấy một phi cơ có hình dáng và màu sắc giống phi cơ mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS). Ông cũng nói thêm rằng các nhà điều tra đã thu thập thông tin về phần lớn hành khách trên chuyến bay, song vẫn chưa tìm ra manh mối nào khả nghi.
Người Trung Quốc chiếm gần 2/3 tổng số hành khách trên chuyến bay MH370. Trước những lời cáo buộc về tình trạng chính phủ Malaysia công bố thông tin chậm, không chính xác và không nhất quán, giới chức Malaysia nói họ sẽ cử một nhóm chuyên gia sang Bắc Kinh để làm cầu nối về thông tin với những gia đình đang ngóng tin hành khách trên chuyến bay.