Chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 cách đây hơn một thập kỷ. Vào năm 2001, các phần tử khủng bố al- Qaeda đã khống chế hai phi cơ chở khách của Mỹ rồi để chúng lao thẳng vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới tại quận Manhattan, thành phố New York.
Một máy bay của Không quân Malaysia tìm tung tích phi cơ Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở eo biển Malacca hôm 15/3. Ảnh: Reuters. |
Hôm 14/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, giới chức nước này tin vào hai giả thuyết đối với chiếc máy bay Boeing 777. Giả thuyết thứ nhất là nó đã bay gần 7 tiếng sau khi liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lần cuối vào sáng sớm ngày 8/3. Theo giả thuyết thứ hai, phi công hoặc một người nào đó trên máy bay đã vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc.
Malay Mail cho rằng đây là lần đầu tiên một phi cơ bay qua Biển Đông - khu vực đang âm ỉ bởi những căng thẳng chính trị và nhiều hoạt động quân sự - rồi bay qua phía bắc Malaysia và hướng về phía Ấn Độ Dương mà không quân đội nước nào phát hiện.
Giới phân tích nhận định rằng, giống như nhiều nước đang phát triển, các quốc gia Đông Nam Á đang phải chấp nhận những lỗ hổng phòng không. Những lỗ hổng ấy lớn hơn nhiều ở những khu vực mà mức độ căng thẳng địa chính trị ở mức thấp.
"Hẳn nhiều nước sẽ ngạc nhiên khi biết rằng xâm phạm không phận của họ là một việc rất dễ dàng", Michael Harwood, người từng giữ chức Phó thống chế không quân Anh, bình luận.
Trên thực tế, các nhà phân tích và giới chức đều nhận định nhiều vùng không phận trên biển và đất liền nằm ngoài tầm với của các radar bởi một số lý do.
Một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Ảnh: wings900.com |
Radar không hoạt động thường xuyên vì chi phí quá lớn
Hệ thống giao thông hàng không dựa hoàn toàn vào bộ phát tín hiệu tự động để phát hiện và theo dõi hoạt động của máy bay. Trong trường hợp của chuyến bay MH370, dường như các hệ thống đã ngừng hoạt động vào khoảng thời gian phi cơ bay qua Malaysia và tới không phận của Việt Nam. Điều này khiến các nhà điều tra nghĩ tới khả năng ai đó trên máy bay đã tắt bộ phát tín hiệu tự động.
Các radar quân sự thường chỉ thu tín hiệu trong phạm vi hoạt động của chúng và "phớt lờ" những chiếc máy bay thương mại. Chúng thường ngừng hoạt động, trừ trường hợp máy bay huấn luyện hoặc quân đội dự đoán hiểm họa có thể xuất hiện.
Một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết, điều đó có thể giải thích tại sao hệ thống radar trên quần đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ đã không thể phát hiện ra chiếc Boeing 777.
“Nhiều radar của chúng tôi hoạt động ở khu vực ấy, nhưng chúng không phát hiện bất kỳ thứ gì do chúng ngừng hoạt động như mọi khi”, Chuẩn đô đốc Sudhir Pillai, người chỉ huy lực lượng tìm kiếm máy bay mất tích của Ấn Độ, thừa nhận.
Theo một nguồn tin quân sự Ấn Độ, chi phí vận hành hệ thống radar khá lớn. Vì thế, quân đội Ấn Độ thường xuyên tắt chúng để giảm chi phí.
Lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng không
Nhiều người tin rằng, những lo ngại về việc tiết lộ khả năng phòng thủ của mỗi quốc gia sẽ cản trở trình hợp tác trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, đặc biệt giữa Malaysia và Trung Quốc. Bắc Kinh đã triển khai 10 vệ tinh giám sát cùng nhiều tàu và máy bay để tìm máy bay mất tích, đồng thời chỉ trích Malaysia phản ứng chậm trước tình hình.
Radar quân sự của Malaysia phát hiện chiếc máy bay, song quân đội lại không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để xác định danh tính của nó. Chẳng ai có thể giải thích tại sao họ không thể phát hiện chiếc máy bay.
Theo giới chức và các nhà phân tích, tai nạn của chiếc MH 370 cho thấy một lỗ hổng tương đối lớn trong hoạt động giám sát không phận toàn cầu và hạn chế của nhiều hệ thống radar quân sự. Họ cho rằng một sự cố như vậy sẽ được phát hiện nhanh hơn ở không phận Bắc Mỹ hay châu Âu - nơi cả các tổ chức dân sự và quân sự liên tục theo dõi radar.