Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung tại buổi ra mắt 3 cuốn sách mới. Ảnh: Thái Hà Books. |
Sau 30 năm gắn bó với việc sáng tác, cho tới bây giờ, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung mới lần đầu viết nên những trang sách về câu chuyện tình yêu cuộc đời của bản thân trong tác phẩm Chuyện của chúng mình. Cuốn sách kể về hành trình hai con người trao gửi niềm tin cho nhau qua những dòng thư tay. Từ đó, một tình cảm đôi lứa được vun đắp và hình thành nên tình yêu gia đình thiêng liêng.
Theo tác giả, tình yêu gia đình như một hạt mầm để con người học cách yêu những thứ lớn lao hơn như Tổ quốc, gia đình, thiên nhiên, tri thức, vạn vật. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ với Tri Thức - Znews về cội nguồn sức mạnh để có cuộc sống viên mãn.
Tình yêu qua những lá thư
- Thưa nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung, so với các tác phẩm nhiều năm về trước, cuốn sách "Chuyện của chúng mình" có gì khác biệt khi viết về tình yêu?
- Năm 1997, tôi ra mắt tiểu thuyết đầu tiên có tên Hoài niệm một cuộc đời, tôi viết về tình yêu của người phụ nữ qua lăng kính hư cấu, đổi tên và các chi tiết liên quan. Dù là tiểu thuyết, một số người vẫn nhận ra bóng dáng của tôi hiện diện trong đó. Dẫu vậy, nó vẫn không phải là tự truyện.
Với Chuyện của chúng mình, tôi đã lựa chọn một hình thức tiếp cận khác với chủ đề tình yêu. Câu chuyện trong tác phẩm được kể qua những lá thư tay đầy chân thật, thể hiện tình yêu sâu sắc và sự giao tiếp giữa tôi và người bạn đời của mình. Điểm đặc biệt ở đây là sự gần gũi và chân thành trong mỗi lá thư. Cách thể hiện cảm xúc không bị nhào nặn bởi những phương tiện hiện đại như chúng ta thường thấy ngày nay. Điều này giúp tôi cảm nhận rõ hơn những rung động của tình yêu, và nó như một kỷ vật quý giá được lưu giữ mãi.
Tuy cách tiếp cận khác nhau, cả hai tác phẩm đều tôn vinh tình yêu chung thủy và vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc.
Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung. Ảnh: Thái Hà Books. |
- Trên hành trình tình yêu đó, bà đã trải qua những cung bậc cảm xúc như thế nào?
- Tình yêu là một hành trình dài, không chỉ ngọt ngào mà còn đầy rẫy những cung bậc cảm xúc đối nghịch. Đầu tiên là sự giận hờn, những lúc hiểu lầm tưởng như không thể tha thứ. Tôi nhớ ngày chúng tôi còn là bạn học, một hiểu lầm nhỏ đã khiến tôi giận dữ, chỉ vì người đó không lên tiếng bảo vệ tôi trước những lời đồn vô căn cứ.
Tự ái dâng trào, tôi quyết định im lặng, để lại khoảng cách giữa chúng tôi, tưởng chừng không thể nào hàn gắn. Thế nhưng, qua bao ngày tôi đã học được cách tha thứ.
Khi ông ấy đi du học, chúng tôi chỉ có thể trao đổi qua thư từ. Qua những dòng tâm sự gửi qua lại, tôi dần nhận ra tình cảm giữa chúng tôi không còn đơn thuần là tình bạn nữa. Mỗi lần nhận được thư, lòng tôi lại dâng tràn hy vọng, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, rằng liệu tình cảm ấy có thể bền vững khi khoảng cách quá xa xôi hay không.
Dẫu vậy, tình yêu đã nảy nở trong im lặng, trong những lần viết thư dài và chia sẻ từng nỗi niềm. Dù không ai dám hứa hẹn, tôi vẫn tin tưởng rằng tình yêu chúng tôi sẽ vượt qua mọi thử thách. Niềm tin ấy đã đưa chúng tôi đến với nhau, trải qua bao lần nhỡ hẹn, bao cảm giác lạc lõng và bất lực. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn chọn tin tưởng vào tình yêu, vào sự kiên nhẫn và bền bỉ của nhau.
- Yêu xa không phải là điều đơn giản, vậy hai người đã phải hy sinh cho nhau như nào?
- Trong thời chiến, hy sinh những điều cá nhân có lẽ là điều bình thường. Tôi và ông ấy hẹn nhau ở ga Nam Định, nhưng vì máy bay địch đang dòm ngó khu vực đó, tàu quyết định dừng ở Phủ Lý. Ông đạp xe từ Hà Nội về Nam Định không thấy tôi nên rất sốt ruột. Ước gì lúc đó chúng tôi có thể nói chuyện với nhau bằng điện thoại như bây giờ.
Hôm sau, tàu tiếp tục lăn bánh về Nam Định, tôi mới gặp lại ông. Tôi trao ông một bài thơ được viết vội trên tờ giấy mỏng. Ông đọc chúng với vẻ xúc động. Lúc đó, mọi sự cam chịu, vất vả, trông mong trước đó dường như tan biến.
Đấy không phải lần duy nhất chúng tôi lỡ hẹn với nhau. Vì công việc và chiến tranh, ông phải đi công tác thường xuyên, tôi cùng các con đi sơ tán. Khi lên tới Hà Nội định để đoàn tụ với nhau thì ông lại đi mất. Cuộc sống gia đình bề bộn nhưng tôi và ông cùng nhau hy sinh để vun vén hạnh phúc chung.
- Phải chăng sau tất cả khó khăn những tình yêu đó đã lớn hơn trở thành những tình cảm khác?
- Đúng vậy, tình gia đình là nền tảng để con người có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, tổ quốc, thiên nhiên, vạn vật, tri thức.
Lan tỏa tri thức trong gia đình
- Mỗi người chúng ta đều nhận ra rằng tình yêu tri thức cũng là một phần làm nên con người. Vậy bà đã làm cách nào để lan tỏa tình yêu tri thức trong gia đình?
- Tình yêu tri thức trong gia đình tôi không chỉ đơn thuần là việc khuyến khích các con cháu học tập, mà quan trọng hơn là làm gương cho các thành viên khác noi theo. Bản thân tôi luôn nhắc nhở mình rằng học hỏi là hành trình cả đời.
Ở tuổi 79, tôi bắt đầu học chơi đàn piano, và mặc dù tuổi đã cao, tôi vẫn kiên trì tập luyện cho đến khi có thể chơi thành thạo nhiều bản nhạc. Đến tuổi 85, tôi quyết định học vẽ, một bộ môn mà trước đây tôi chưa từng thử. Qua việc học vẽ, tôi dần phát triển khả năng sáng tạo của mình, từ việc vẽ một bông hoa, một cái cây, cho đến cả những bức tranh lớn hơn về cuộc sống hàng ngày.
Tôi luôn tin rằng việc học không có giới hạn về độ tuổi, và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Mỗi lần tôi học thêm điều gì mới, tôi chia sẻ niềm đam mê và cảm hứng ấy với các thành viên trong gia đình. Những nỗ lực không ngừng của tôi đã lan tỏa tinh thần ham học và sự tò mò với kiến thức cho con cháu. Các con tôi thấy được rằng không chỉ ở trường lớp, mà trong cuộc sống hàng ngày, mọi khoảnh khắc đều có thể trở thành cơ hội để học hỏi và phát triển.
Ba tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung. |
- Từ những ngày con còn bé, bà đã thắp lên ngọn lửa đam mê học tập cho con cái ra sao?
- Từ khi các con còn bé, tôi đã luôn nỗ lực để đảm bảo việc học hành của các con được tốt nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi vẫn nhớ như in những ngày dạy các con cách cầm bút, uốn từng nét thẳng cong, và hướng dẫn từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong việc đọc sách, viết chữ.
Dù chiến tranh làm gián đoạn nhiều thứ tôi vẫn không để việc học của các con bị ảnh hưởng. Một kỷ niệm đáng nhớ là khi con út bắt đầu đi học sớm do cô giáo đồng ý nhận con vào lớp vỡ lòng. Thế nhưng, đến lúc cô giáo mới đến, con lại không có tên trong danh sách học sinh.
Hiểu rõ điều này là một cú sốc lớn với con, tôi quyết định tự dạy con ở nhà, không để con chậm một năm. Từ việc đi dạo bờ cát, đọc báo, cho đến những lúc tranh thủ mọi nơi, tôi đều biến thành cơ hội học tập cho con. Cuối cùng, khi con thi đỗ vào lớp một và học cùng các bạn, tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực và sự hy sinh của mình đều xứng đáng để con có thể tiến xa trên con đường tri thức.
- Bên cạnh những bí quyết về việc xây dựng nếp học trong gia đình, bà nghĩ đâu là chìa khóa để bản thân hạnh phúc?
- Nhiều người đã hỏi tôi điều này. Câu trả lời nằm trong bài thơ Thần dược ở tập thơ mới của tôi - Gia đình ta thân yêu. Bí quyết nằm ở tình yêu, hãy quan tâm hơn tới những người xung quanh và học cách buông bỏ những chuyện phiền lòng trong quá khứ.
Nhà thơ, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung (sinh năm 1939). Chồng bà, nhân vật trong cuốn sách Chuyện của chúng mình là NSNA Lê Phức, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung là tác giả của nhiều tiểu thuyết, ký, tập thơ. Vào cuối tháng 9, bà đã ra mắt ba tác phẩm Chuyện của chúng mình, Tình thơ đối đáp và những lời bình và Gia đình ta thân yêu.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.