Năm 2019, Prathap NM nổi tiếng khi báo Ấn Độ India Times cho biết chàng trai trẻ này đã chế tạo ra hơn 600 chiếc máy bay không người lái (drone) từ rác thải, phế liệu. Theo bài báo này, Prathap đã bắt đầu chế tạo drone từ năm 16 tuổi.
Bức ảnh khiến Prathap NM bị bóc mẽ khi chụp cạnh một mẫu drone của Đức. Ảnh: BillzEye. |
Bài báo của India Times còn khẳng định Prathap đã giành giải vàng Albert Einstein Innovation tại triển lãm CEBIT tại Hannover, Đức năm 2018. Gần đây, tại Ấn Độ còn có tin đồn thủ tướng Narendra Modi sẽ đã mời thanh niên này vào Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ.
Tuy nhiên, các chi tiết mới được công bố cho thấy những thành tích của Prathap có thể chỉ là thành quả của sự giả dối.
Trong bài phỏng vấn với Btv News Kannada, Prathap đã đưa ra bức ảnh chụp cạnh một chiếc drone như bằng chứng rằng mình tự phát triển chúng. Tuy nhiên, nhà sản xuất drone của Đức BillzEye lại khẳng định đây chỉ là một bức ảnh mà anh chàng chụp bên cạnh drone của họ trong triển lãm CEBIT 2018.
"Tất cả drone được đặt tại quầy triển lãm, đặc biệt là chiếc BETH-01 mà anh Prathap đưa hình ảnh ra, đều thuộc sở hữu của BillzEye – Multicoptersysteme. Anh Prathap không liên quan gì tới quá trình thiết kế, phát triển, sản xuất hay phân phối chiếc drone này", Bill Gutbier, chủ sở hữu công ty BillzEye cho biết.
Prathap khá nổi tiếng tại Ấn Độ khi được cho là nhà sáng chế của 600 mẫu drone. Ảnh: Alt News. |
Đối với cuộc thi tại CEBIT 2018 mà Prathap được cho là đã giành huy chương vàng, sự thật là không có giải thưởng nào như vậy. Alt News cũng khẳng định việc thủ tướng Ấn Độ mời Prathap vào nghiên cứu quốc phòng là không có thật.
Theo TNW, Prathap cũng từng bị "bóc phốt" tương tự khi đăng ảnh chụp với một chiếc drone trên Instagram, trước khi bị công ty Nhật ACSL đính chính rằng anh không hề đóng góp gì trong việc phát triển thiết bị này.
Đến nay, Prathap vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy anh đã sáng chế ra những chiếc máy bay không người lái.