Vào ngày 20/7, chính quyền Mỹ đã đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể, cấm vận do các vấn đề quyền lợi người lao động.
Danh sách này bao gồm nhiều nhà cung cấp cho Apple, Ralph Lauren, Google, HP..., theo trung tâm nghiên cứu Australian Strategic Policy Institute. Theo New York Times, đây cũng là cách chính quyền Mỹ gây sức ép để các thương hiệu thời trang, công nghệ cắt đứt mối quan hệ làm ăn với nhiều công ty tại đây.
CEO Apple Tim Cook trong chuyến công tác tại Trung Quốc cuối năm 2017. Trong chuyến đi này, ông đã đến thăm nhà máy của O-Film tại Quảng Châu. Ảnh: Reuters. |
Trong số những công ty vừa bị cấm có O-Film Tech. Trên trang web của mình, công ty này cho biết họ sản xuất camera selfie cho iPhone, cũng như camera và màn hình cảm ứng cho Huawei, Lenovo và Samsung.
Tháng 12/2017, CEO Tim Cook của Apple từng tới thăm nhà máy của O-Film tại Quảng Châu. Bức ảnh của ông chụp tại đây được chính Tim Cook đăng tải lên mạng xã hội Weibo.
Theo New York Times, có khoảng 700 công nhân đã được chuyển tới làm việc ở nhà máy Giang Tây của O-Film. Giống như các công ty khác trong danh sách, nhóm công nhân này được cho là đã bị vi phạm các quyền lợi của người lao động.
Apple và O-Film chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Một công ty khác trong danh sách, Hefei Bitland Information Technology, cho biết trên website họ là đối tác của nhiều công ty công nghệ như Google, HP, Haier hay Lenovo.
Trước đó, Trung Quốc ngày 13/7 tuyên bố trừng phạt một số quan chức và tổ chức Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz.
Động thái này nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các quan chức cao cấp của Bắc Kinh về những gì Mỹ cho là vi phạm quyền lợi người lao động, theo Reuters.
Ảnh chụp của CEO Tim Cook tại nhà máy O-Film được công ty này đăng lên trang web của mình. |
Trung Quốc trừng phạt ba nghị sĩ đảng Cộng hòa và một đặc phái viên của Mỹ, là những người chỉ trích Bắc Kinh mạnh nhất. Đó là các Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz, Hạ nghị sĩ Chris Smith, cùng với Đại sứ Mỹ về tôn giáo Sam Brownback.