Trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ, đạt trung bình 6,15%/năm kể từ năm 2000.
Quá trình đô thị hóa và sự phát triển của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội thương mại mới. 50% dân số Việt Nam sử dụng mạng internet và hơn 1/3 dùng điện thoại thông minh.
Việt Nam, theo giáo sư Stephanie Jones của Trưởng quản lý Maastricht và Rafael Masters của Đại học Công nghệ TP.HCM, đang ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư với nguồn nhân lực phát triển nhanh chóng, ngay cả khi đất nước này đang phải cạnh tranh với Singapore, Hong Kong và các ngôi sao khác ở khu vực.
TP.HCM: Trung tâm các start-up
Là thành phố lớn nhất và phát triển nhất của Việt Nam, TP.HCM được coi là động lực tăng trưởng của đất nước. Với tốc độ tăng trưởng 8,5%/năm, thành phố chuyển mình vượt bậc trong 10 năm qua với kế hoạch xây dựng tuyến Metro mới kết nối sân bay.
Hệ thống này sắp hoàn thành, sẽ kết nối các khu vực xa với trung tâm, được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
TP.HCM được coi là động lực phát triển của Việt Nam, là trung tâm của các start-up Việt. Ảnh: expatbug.com. |
Đặc biệt, với ngành công nghiệp phần mềm phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang tiến tới trở thành một Thung lũng Silicon của châu Á thông qua dự án có tên Saigon Silicon City ở ngoại ô thành phố với tổng vốn 1,5 tỷ USD.
Thành phố 10 triệu dân này cũng là trung tâm hoạt động của các start-up Việt Nam, nơi tập trung hầu hết 3.000 start-up Việt. Tháng 5/2016, 500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ tại thung lũng Silicon, đã lập quỹ 10 triệu USD để đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty đầu tư mạo hiểm khác như CyberAgent, Ventures và SeedCom cũng hoạt động tích cực và đang đầu tư và các doanh nghiệp mới.
TP.HCM cho thấy mình là viên ngọc quý trong vương miện thành công của Việt Nam
Thành phố miền Nam Việt Nam còn là cái nôi sản sinh ra một trong những startup con rồng của Đông Nam Á, tập đoàn VNG. Từ nhà phát triển game trở thành công ty công nghệ số 1 Việt Nam, VNG đã chuẩn bị IPO trên sàn Nasdaq ở Mỹ hồi tháng 6. Chỉ riêng ứng dụng nhắn tin Zalo của VNG đã có hơn 70 triệu người dùng từ Việt Nam, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Làm thế nào TP.HCM đạt được thành công như ngày nay, và điều gì lý giải cho sự phát triển phi thường của các start-up tại thành phố này?
Nhân lực trẻ, tham vọng, giáo dục tốt
Sự phát triển của các start-up có đóng góp của sự phát triển công nghệ mới, nhưng cốt lõi vẫn là câu chuyện con người.
Không giống như các nước phát triển khác như Singapore, Việt Nam đang trải qua thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số dưới 30 tuổi.
Trong vòng 10 năm qua, hàng nghìn doanh nhân trẻ và tham vọng ở Việt Nam đã chuyển đến TP.HCM để gây dựng những start-up của riêng họ, trong số đó có nhiều công ty phát triển giải pháp công nghệ bao gồm các mô hình thương mại điện tử, ứng dụng và trò chơi.
Các quán cafe và không gian làm việc chung mở ra khắp thành phố để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận các doanh nhân thường xuyên kết nối và làm việc theo nhóm nhỏ mà không có văn phòng chuyên dụng.
Không gian làm việc chung ở quán cafe Work Saigon, TP.HCM. Ảnh: niftit.com . |
Các start-up đã bắt đầu đạt được thành công một phần nhờ vào sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam. Nhà chức trách cam kết hỗ trợ 90 triệu USD cho hơn 2.000 start-up công nghệ cao ở địa phương. Giới chức cũng lên kế hoạch thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn pháp luật và các hoạt động kết nối nhằm liên kết các start-up với trường đại học và các trung tâm nghiên cứu.
Những cam kết của chính phủ trong việc cải thiện chất lượng đào tạo chuyên môn và năng lực của lực lượng lao động cũng đã mang lại kết quả, trong khi giáo dục tiếp tục chiếm 20% chi tiêu của chính phủ.
Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có khả năng cạnh tranh với quốc tế, ngày càng được giáo dục tốt, năng động và hiểu biết về công nghệ. Việt nam có tỷ lệ biết chữ cao ở mức 94,5%, xếp hạng 17 trong số 65 nước về kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhân tố tạo khác biệt quan trọng, khiến cho các start-up ở Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ là chất lượng của những người Việt làm việc trong lĩnh vực này.
Sinh viên các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đạt điểm rất cao trong các bài kiểm tra chuẩn quốc tế những năm gần đây, cung cấp một đội ngũ lao động tay nghề cao có tiềm năng trở thành các doanh nhân thành công trong tương lai. Các sinh viên ở TP.HCM được đánh giá là thông minh, lanh lợi và năng động.
Nhiều thanh niên Việt Nam cũng được cử đi học ở nước ngoài. Họ trở về với những ý tưởng lớn về việc thành lập công ty riêng. Ước tính 21.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ trong năm ngoái. Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng du học sinh tại Mỹ.
Trong số 91 triệu dân ở Việt Nam, 40 triệu người lên mạng trực tuyến, sử dụng Facebook, WhatsApp và các mạng xã hội trong nước để liên lạc, giao lưu và bán hàng.
Giới trẻ tỏ ra đặc biệt quan tâm tới việc buôn bán kinh doanh, nhiều người trong số họ mở những cửa hàng nhỏ trên Facebook để bán những mặt hàng buôn từ Thái Lan hoặc làm tại nhà. Họ tự đi giao hàng tận nhà trong thành phố hoặc thông qua dịch vụ Grab bike. Không chỉ Facebook, các ứng dụng nội địa như Zalo cũng được sử dụng rộng rãi. Zalo đạt mốc 10 triệu người dùng chỉ trong vòng 1 năm rưỡi kể từ khi ra mắt.
Giới trẻ Việt Nam rất cầu tiến và có tinh thần quốc tế. Họ lấy ý tưởng từ những loại hình dịch vụ vận tải mới như Grab và Uber rồi cố gắng triển khai chúng theo cách phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, những người trẻ Việt Nam được sinh ra và đào tạo ở nước ngoài, thường gọi là Việt Kiều, đang trở về quê hương và làm giàu thêm nguồn nhân lực trong nước.
Mặc dù Việt Nam đang thu hút những nhà quản lý trẻ tham vọng từ khắp châu Á, nhiều người nói rằng họ khó có thể cạnh tranh được với nhân lực thông minh và sáng tạo ở địa phương. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Sức mạnh của gia đình ba thế hệ
Giới trẻ Việt Nam có thể tập trung xây dựng các công ty khởi nghiệp còn nhờ vào sự ủng hộ, hỗ trợ từ gia đình. Ở Việt Nam, các gia đình thường sinh sống theo kiểu một ngôi nhà ba thế hệ. Con cái chăm sóc bố mẹ về già, ông bà hỗ trợ trông nom cháu nhỏ, trong khi cha mẹ những đứa trẻ đi làm ở ngoài.
Kiểu gia đình ba thế hệ này là nguồn hỗ trợ quan trọng cho những doanh nhân trẻ ở Việt Nam. Họ có thể dành nhiều thời gian, công sức hơn vào công việc, yên tâm rằng nhà cửa và con cái đã được bố mẹ chăm lo.
Về phương diện này, người lao động ở Việt Nam có lợi thế rất lớn so với ở các nước khác, cũng như so với những người nước ngoài sống ở Việt Nam.
Nhìn chung, Việt Nam đang ở một vị thế tốt. Mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam ngang với Trung Quốc và nhu cầu tuyển dụng tăng lên 32%. Tăng trưởng mạnh nhiều khả năng tiếp tục được duy trì. Kinh tế Việt Nam có thể mở rộng ở mức trung bình 6,3% trong 3 năm tới, theo Ngân hàng Thế giới. Dân số trẻ, cầu tiến và am hiểu kinh doanh là nhân tố quan trọng giúp cho Việt Nam đạt được điều đó.