Hình minh họa: pngall. |
Những năm gần đây, công nghệ bùng nổ, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến không ít người hoang mang về nguy cơ bị thế chỗ, bị trí tuệ nhân tạo “thống trị”...
Những điều từng có vẻ chỉ nằm trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, con người cũng đang nghiên cứu và ứng dụng, trong đó có cả việc "siêu nhân hóa" con người, thí nghiệm phôi người để "sửa chữa", "cải thiện" bộ gen theo ý muốn.
Những phát kiến này có vẻ nhiệm màu nhưng cũng thật đáng sợ. Những quyền năng mới mẻ của con người đặt ra những vấn đề sâu sắc về phương diện đạo đức, chính trị, kinh tế lẫn tinh thần. Trong cuốn sách Cách mạng siêu nhân hóa, Luc Ferry cố gắng nhận diện những vấn đề này một cách tường minh, nhằm xác định và chuẩn bị tinh thần đối mặt những thách thức chính yếu trong tương lai.
Trong buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra vào sáng 25/3 tại Phố sách Hà Nội, các diễn giả và độc giả đã trao đổi về khái niệm "siêu nhân hóa", về những tiềm năng và nguy cơ đi kèm.
Sách Cách mạng siêu nhân hóa của Luc Ferry. Ảnh: NN. |
Cách mạng siêu nhân hóa và tham vọng bất tử
Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, Luc Ferry bóc tách chi tiết những nội hàm của công nghệ y học nói riêng và cuộc cách mạng công nghệ nói chung. Sự phát triển của công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin được Luc Ferry cho là sẽ làm thay đổi cả nền y học lẫn nền kinh tế trong 40 năm tới, cho phép con người xem xét nghề y dưới góc độ mới: không chỉ là "sửa chữa" đơn thuần mà còn là "cải tiến", "nâng cấp" con người.
Ông cho rằng giới khoa học đang không ngừng thách thức giới hạn tác động tới loài người. Hẳn nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng trên lý thuyết, không gì là không thể. Có thể một ngày nào đó, ta có thể "cải thiện" theo ý muốn, tác động tới một nét tính cách nào đó, trí thông minh, chiều cao, thể lực hay nét đẹp, lựa chọn giới tính, màu mắt hay màu tóc của những đứa con ta sẽ sinh ra?
Theo Luc Ferry, trên thế giới, đang có những nhóm nghiên cứu đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực này rồi. Ở Mỹ, một hệ tư tưởng mới đã phát triển. Các học giả, tiên tri, triết gia và những người dẫn dắt gọi nó là "siêu nhân hóa" (transhumanism).
Theo dịch giả Trần Thị Phương Thảo, thuật ngữ này dùng để chỉ niềm tin hoặc lý thuyết cho rằng loài người có thể tiến hóa vượt ra ngoài giới hạn về thể chất và tinh thần hiện tại để trở thành bất tử hoặc siêu phàm, đặc biệt là bằng phương tiện khoa học và công nghệ.
Chia sẻ tại buổi giao lưu sáng 25/3, dịch giả Trần Thị Phương Thảo nhận xét Ferry có cách tiếp cận đa chiều về chính trị học, khoa học và cả quản lý học. Bà cho rằng Cách mạng siêu nhân hóa có nhiều khái niệm mang tính chất nền tảng của triết học, với nhiều đối chiếu, so sánh đa chiều, đòi hỏi độc giả phải đọc từ từ để suy ngẫm.
Từ khái niệm siêu nhân hóa, ta nhận thấy tham vọng bất tử của con người. Ông Đinh Trần Tuấn Linh, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, cho rằng sau khi chán thế giới ảo, người ta cố gắng biến chuyển thế giới thật và những nghiên cứu kéo dài tuổi thọ chính là một nỗ lực "siêu nhân hóa" con người.
Nhưng có phải cứ sống lâu hơn là tốt không? Ông Đinh Trần Tuấn Linh đặt ra câu hỏi liệu chúng ta sẽ sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, hay chỉ già đi và ngày một cau có với đời.
TS Nguyễn Chí Công, Giám đốc Bảo tàng Công nghệ thông tin; Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, nhận định rằng khái niệm siêu nhân hóa hay tham vọng bất tử không mới. Thực chất, giấc mơ trường sinh bất lão đã có từ xa xưa như Tần Thủy Hoàng cũng từng thử. Theo ông, cái đáng lo không phải là chúng ta sống thọ đến đâu, mà là chúng ta sống mà không giải quyết được những mâu thuẫn giữa người với người.
Từ trái sang phải: ông Đinh Trần Tuấn Linh, ông Nguyễn Chí Công, bà Trần Thị Phương Thảo. Ảnh: NN. |
Những câu hỏi không dễ trả lời về cách con người tiến đến tương lai
Theo ông Đinh Trần Tuấn Linh, cuốn sách đưa đến một góc nhìn khác, có tính phê bình đối với trào lưu bất tử hóa loài người mà các nhà tương lai học, nhà sinh học ở Mỹ đang nghiên cứu. Sách yêu cầu chúng ta suy ngẫm về cách con người tiến đến tương lai thế nào cùng nhau.
Để nhìn nhận về sự siêu nhân hóa và tham vọng kéo dài tuổi thọ, Luc Ferry đã tiếp cận từ nhiều chiều: từ trường phái siêu nhân hóa, từ quan điểm tiến hóa của Darwin, từ quan điểm về giống loài của các nhà sinh vật học...
Những vấn đề đạo đức liên quan đến công nghệ can thiệp vào cơ thể người rất khó có thể trả lời “ủng hộ" hay "phản đối” đơn giản. Thực ra, những tiến bộ trong khoa học có thể mang lại những kết quả thực sự đáng ngưỡng mộ, đồng thời cũng có thể để lại những hậu quả kinh khủng.
Chia sẻ với các độc giả qua video, tác giả thừa nhận rằng rất ít người muốn chết, muốn già đi. Việc con người có thể sống lâu hơn, khỏe hơn là một điều tốt, dù vậy, chúng ta cần suy nghĩ về nó trên bình diện đạo đức, tinh thần, chính trị.
Ông cũng đặt ra những câu hỏi như: Nếu ta (gần như) bất tử, liệu ta còn muốn làm việc, còn muốn thức dậy vào mỗi sáng để đi làm? Liệu ta có bị chán nản và lười biếng xâm chiếm? Ta còn gì để học sau vô số thập kỷ tồn tại? Ta có còn muốn chinh phục những điều tuyệt vời, tiếp tục hoàn thiện bản thân?...
Hơn thế, chính bản sắc riêng của con người sẽ bị thử thách. Với cuộc cách mạng siêu nhân hóa, chúng ta có thể quyết định những gì định nghĩa nên bản thân con người và những gì ta muốn trở thành.
Thông qua cuốn sách Cách mạng siêu nhân hóa, Luc Ferry nỗ lực bóc tách, hiểu cái gì đang tồn tại, mang đến hình ảnh chính xác nhất có thể về thực tại, góp phần giúp nắm bắt "thời điểm của thực tại trong tư tưởng" để chuẩn bị tinh thần đối mặt sao cho phù hợp với những biến đổi trong tương lai, đồng thời, quay lại chiêm nghiệm một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về những xung đột đang diễn ra trên thế giới.
Luc Ferrry, sinh năm 1951, là một giáo sư triết học, một chính khách Pháp. Ông từng đảm nhiệm chức vụ tùy viên khoa học tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp. Từ 2002 đến 2004, ông làm bộ trưởng Bộ Thanh niên, Giáo dục quốc gia và Nghiên cứu chính trong chính phủ của Tổng thống Jaques Chirac. Năm 2009, Tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm ông vào Ủy ban tư vấn đạo đức quốc gia Pháp.