Tân Hiệp Phát được ông Trần Quí Thanh thành lập năm 1994. Doanh nghiệp này gây tiếng vang lớn trên thị trường nước giải khát Việt Nam với nhiều sản phẩm nổi bật như nước tăng lực Number One, Trà xanh không độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh...
Với điểm tựa vững chắc trong lĩnh vực đồ uống, cách đây 6 năm, doanh nghiệp đã từng bước dấn thân sang thị trường bất động sản nhằm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đa ngành.
Gia nhập thị trường bất động sản năm 2017
Vào tháng 6/2017, ông Trần Quí Thanh bắt đầu xuất hiện trong giới bất động sản. Khi đó, ông tham gia vào HĐQT của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn và sở hữu hơn 478.000 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức lên sàn HoSE, vị này trở thành một trong những người giàu trên sàn chứng khoán.
Đến giữa năm 2018, ông Thanh bất ngờ trở thành thành viên ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM với ý định hỗ trợ các thành viên thiếu vốn. Đây được xem như là động thái chính thức của Tân Hiệp Phát để công khai việc bắt đầu gia nhập cuộc chơi trong lĩnh vực bất động sản.
Hơn một năm sau đó, các thành viên trong gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát liên tục thành lập hàng chục công ty con để tham gia mảng kinh doanh này.
Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương. Ảnh: THP. |
Đáng chú ý, tháng 4/2019, bà Trần Uyên Phương (sinh năm 1981) - con gái ông Trần Quí Thanh - đã tham gia góp vốn tại 10 công ty bất động sản với cùng số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng/công ty.
Trong đó, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát góp tới 99,9% vốn tại mỗi công ty (tương đương 1.498,5 tỷ đồng). Ngoài ra, phần vốn còn lại cũng đều thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình ông Thanh gồm bà Trần Ngọc Bích (con gái thứ hai) sở hữu 0,05% và bà Phạm Thị Nụ (vợ) sở hữu 0,05%.
Đến tháng 5/2019, một công ty kinh doanh bất động sản tiếp tục được các thành viên trên trong gia đình ông Thanh thành lập là Công ty CP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền với vốn điều lệ lên tới 3.830 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã thành lập trên dưới 20 công ty con trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn những công ty vốn khủng thành lập trong năm 2019 hiện đã phá sản chỉ sau vài tháng hoặc đang làm thủ tục giải thể.
Sau đó, đến giai đoạn 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại tiếp tục thành lập một loạt công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Những doanh nghiệp này cũng do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó chủ yếu là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.
Sở hữu nhiều lô "đất vàng"
Ông Thanh từng khẳng định nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế mà Tân Hiệp Phát nắm giữ khi bước vào cuộc chơi bất động sản. Đặc biệt, những năm gần đây, việc gom quỹ đất của gia đình ông Trần Quí Thanh càng rầm rộ, nổi bật là những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất.
Cụ thể, tháng 5/2019, ông Trần Quí Thanh chi gần 400 tỷ đồng để trúng đấu giá một khu đất diện tích hơn 1,8 ha tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu đất này được quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng kết hợp công cộng, cây xanh và đường giao thông nội bộ.
Đầu tháng 3/2020, bà Trần Ngọc Bích trúng đấu giá một khu đất tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 80 tỷ đồng. Khu đất rộng 1 ha này có thời hạn cho thuê 50 năm, được quy hoạch xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch. Sau đó vài ngày, bà Bích tiếp tục chi 170 tỷ đồng để tham gia đấu giá các khu đất có vị trí đắc địa ở tỉnh này.
Tại Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát cũng sở hữu 2 lô "đất vàng" nằm gần cầu sông Hàn, dự kiến triển khai dự án Suntory Bay với tổng vốn lên tới 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, Tân Hiệp Phát bị cơ quan chức năng "gọi tên" do vi phạm về việc quá thời hạn nhưng chưa đưa đất vào sử dụng.
Ngoài ra, gia đình ông Thanh còn sở hữu nhiều lô đất tại TP.HCM và Đồng Nai, song những lô đất này cũng vướng không ít tai tiếng.
Đáng chú ý, hồi tháng 12/2021, ông chủ Tân Hiệp Phát còn có mặt tham dự phiên đấu giá 4 lô "đất vàng" gây rúng động ở Thủ Thiêm (TP.HCM). Người trúng đấu giá khi đó là Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.
Mặt khác, ông Thanh còn thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC vào tháng 3/2018 với mục đích tập trung chính vào các khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản.
VNAMC có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, chia đều cho 2 cổ đông sáng lập là 2 ái nữ của ông Trần Quí Thanh, trong đó, bà Bích đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Một môi giới đất khu vực Đông Nam Bộ cho biết ngoài tham gia đấu giá các khu "đất vàng", gia đình ông Thanh còn sử dụng mạng lưới "cò" trải rộng để săn lùng quỹ đất lớn trong dân. Tuy nhiên, thông tin này chưa được Tân Hiệp Phát xác nhận.
"Ông Thanh chỉ quan tâm đến những lô đất lớn vài ha đến vài chục ha trở lên, chú trọng vào khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Khi đã ưng ý, đích thân ông Thanh và Trần Uyên Phương sẽ đến thỏa thuận giá cả, nhưng thường họ đưa ra mức giá khá chặt", môi giới này cho biết.
Chiều 10/4 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương. Bà Trần Ngọc Bích cũng bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.