Chiều 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc tập đoàn này). Một người con khác của ông Thanh là Trần Ngọc Bích cũng bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tân Hiệp Phát được thành lập từ năm 1994 và là cái tên đình đám trên thị trường nước giải khát Việt Nam với nhiều sản phẩm như nước tăng lực Number One, Trà xanh không độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh...
Dù lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đại gia ngành nước giải khát này cũng gặp không ít lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm và hoạt động làm ăn, đầu tư riêng của các cá nhân trong gia đình ông Thanh.
"Chai nước có ruồi" giá 500 triệu đồng
Lùm xùm lớn nhất của Tân Hiệp Phát có lẽ là câu chuyện "chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng" năm 2015. Cụ thể, ngày 3/12/2014, ông Võ Văn Minh, chủ một quán bún tại huyện Cái Bè, Tiền Giang khi lấy chai nước ngọt Number One (sản phẩm của Tân Hiệp Phát) bán cho khách thì phát hiện chai nước ngọt có ruồi.
Nảy sinh ý định tống tiền, ông Minh gọi đến Tân Hiệp Phát yêu cầu chi 1 tỷ đồng, nếu không sẽ khiếu nại lên Ban bảo vệ người tiêu dùng. Phía công ty nhiều lần gặp ông để trao đổi và cho biết không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm lỗi mà chỉ đổi bằng một số sản phẩm. Ông Minh không đồng ý và sau nhiều lần thương lượng, ông hạ mức tiền xuống 500 triệu đồng.
Ngày 27/1/2015, các nhân viên của Tân Hiệp Phát đến quán giao tiền cho ông Minh. Tuy nhiên, khi viết xong giấy biên nhận và bỏ tiền vào cốp xe thì ông Minh bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Kết quả, ông Võ Văn Minh bị phạt 7 năm tù về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Kết thúc vụ việc "chai nước có ruồi giá 500 triệu đồng", người dùng là anh Minh bị tòa tuyên án phạt 7 năm tù. Còn Tân Hiệp Phát, đại diện bên bị hại, cho biết đã thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Minh. |
Trong vụ việc này, Tân Hiệp Phát đã thành công khi phơi bày lòng tham của anh Minh nhưng họ vẫn thất bại nặng nề cả về thương hiệu lẫn doanh thu. Sau gần 1 năm liên quan đến vụ việc, theo công bố của doanh nghiệp, họ đã thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng từng nhiều lần vướng phải nghi vấn về chất lượng sản phẩm. Đơn cử, hồi tháng 3/2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà (Biên Hòa, Đồng Nai) phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong.
Đại diện Tân Hiệp Phát thừa nhận đó là những sản phẩm lỗi, nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt bà vì tội tống tiền. Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Hà.
Ba tháng sau đó, cơ quan điều tra phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng. Hàng gắn nhãn gửi đến Công ty Tân Hiệp Phát. Tại kho hàng của Tân Hiệp Phát chi nhánh Bình Dương, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng hương liệu có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008, quá hạn 6 tháng so với ngày phát hiện.
Hay cuối năm 2010, ông Trương Ngọc Tuấn (TP.HCM) cũng phát hiện 6 chai sữa đậu nành Number One Soya đã gợn đục có lớp kết tủa màu trắng. Lô hàng này được ghi trên chai là sản xuất vào tháng 9/2010, hạn sử dụng ngày 25/6/2011.
Hàng loạt lùm xùm về đất đai
Năm 2021, dư luận tiếp tục xôn xao về những lùm xùm liên quan đến Tân Hiệp Phát và gia đình ông Trần Quí Thanh về cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị điều tra kết quả đấu giá đất.
Vụ án này đã được cơ quan điều tra khởi tố từ tháng 3/2021 căn cứ theo đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai - cùng một số người khác tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích và một số cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP.HCM và Đồng Nai.
Theo đó, những người này tố giác bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và trốn thuế tại Công ty CP bất động sản Minh Thành Đồng Nai và Công ty Đầu tư và xây dựng Nhơn Thành.
Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương. Ảnh: THP. |
Cụ thể, phía Kim Oanh Đồng Nai đã vay 350 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng từ gia đình bà Trần Uyên Phương “thế chấp” bằng hợp đồng giả cách chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư tại xã An Phước.
Việc Kim Oanh tìm đến Tân Hiệp Phát để vay tiền như đã trình bày diễn ra trong bối cảnh công ty đang cần tiền thanh toán cho chủ cũ của Minh Thành Đồng Nai theo hợp đồng đã thỏa thuận. Tuy nhiên, khi phía Kim Oanh Đồng Nai trả tiền thì Tân Hiệp Phát không chấp nhận.
Đến đầu tháng 11/2022, CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản này để chờ kết quả giám định.
Một người khác là doanh nhân Nguyễn Văn Chung cũng có đơn tố bà Phương cho vay 35 tỷ đồng, bắt ký hai hợp đồng giả cách, rồi chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ đồng tại TP.HCM.
Đầu tháng 3/2021, khi Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đơn của ông Chung, thì người đàn ông này bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do liên quan một vụ án khác.
Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã xác minh, điều tra hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế đối với bà Trần Uyên Phương liên quan đến việc nhận chuyển nhượng 6 lô đất tại TP Thủ Đức, TP.HCM.
Đáng chú ý, bà Trần Uyên Phương từng tham gia góp vốn thành lập 11 doanh nghiệp, với đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản. Vốn điều lệ của mỗi doanh nghiệp này đều lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát xuất hiện từ năm 2018 khi các thành viên trong gia đình ông Thanh bắt đầu thành lập các công ty bất động sản với vốn điều lệ lớn.
Đáng chú ý, hồi 2019-2020, gia đình Tân Hiệp Phát cũng từng chi hàng trăm tỷ thâu tóm đất vàng qua hình thức đấu giá tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuối 2021, ông chủ Tân Hiệp Phát cũng là một trong số những đại gia tham gia đấu giá đất vàng Thủ Thiêm (TP.HCM).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.