Các quan chức quân đội đi về phía Đại lễ đường Nhân dân để tham dự cuộc họp Quốc hội vào ngày 4/3/2013. Ảnh: Reuters |
Trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm tới những tranh chấp xung quanh vấn đề lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực, các chuyên gia Trung Quốc lại đang bận rộn với câu hỏi: Liệu lực lượng vũ trang vốn đã tổn thương bởi tham nhũng có đủ khả năng tham chiến và giành thắng lợi?
Hàng loạt thông tin mà giới truyền thông công bố gần đây đã phần nào cho thấy nạn tham nhũng đang tràn lan trong nội bộ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Giới quan sát hiện dồn sự quan tâm vào tốc độ hiện đại hóa nhanh tới chóng mặt của PLA, từ dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình cho tới sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh, niềm tự hào của Hải quân Trung Quốc.
Cũng nhờ hưởng nguồn ngân sách khổng lồ mà quân đội Trung Quốc đang không ngừng phô trương sức mạnh ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương khiến các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ cảm thấy lo ngại.
Tuy nhiên, những vụ bê bối liên quan tới tham nhũng gần đây lại cho thấy một góc khác trong nội bộ PLA, vốn là mục tiêu chính của kế hoạch "diệt hổ" do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, theo Reuters.
Hồi tháng 6, Bắc Kinh tuyên bố họ "trảm" thượng tướng Từ Tài Hậu, tham quan số một Trung Quốc. Ông Từ nguyên là ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương vã đã nghỉ hưu từ năm 2013. Trước đó, nhà chức trách bắt một trong những thân tín của Từ, trung tướng Cốc Tuấn Sơn, vì tội tham nhũng. Cốc nguyên là phó cục trưởng Cục Hậu cần và mất chức từ năm 2012.
Nhiều nguồn tin cho biết, nhờ "ghế" phó cục trưởng, Cốc kiếm hàng triệu USD thông qua hoạt động buôn bán những vũ khí và bất động sản vô giá của quân đội. Trong một lần khám xét dinh thự riêng của gia đình Cốc ở thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, giới chức đã phát hiện một bức tượng chủ tịch Mao Trạch Đông bằng vàng ròng và hàng trăm hộp rượu Mao Đài, một loại rượu cao cấp tại Trung Quốc.
Nhiều quan chức cấp cao và chuyên gia Trung Quốc vẫn lo ngại về nạn mua quan bán tước trong nội bộ PLA. Tình trạng này cũng khiến những tài năng thật sự lụi tàn trước khi có cơ hội cống hiến cho đất nước.
"Chính phủ chi bao nhiêu tiền cho quân đội cũng không đủ, nếu các tham quan vẫn tiếp tục xuất hiện. Số tiền rơi vào tay những tham quan như Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn lên tới hàng tỷ tệ. Chúng ta có thể chế tạo bao nhiêu máy bay chiến đấu với số tiền đó? Nếu nạn tham nhũng không biến mất, chúng ta sẽ bại trận ngay trước khi tham chiến", thiếu tướng đã nghỉ hưu Luo Yuan, một trong những người nắm rõ các số liệu quân sự của Trung Quốc nhất, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Paper hồi tuần trước.
Bài toán diệt 'hổ'
Chủ tịch Tập kêu gọi lực lượng vũ trang với 2,3 triệu binh sĩ sẵn sàng cho mọi cuộc chiến, dù trước cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn liên tục khẳng định họ mong muốn hòa bình với các nước láng giềng.
Giới chức Trung Quốc đã đẩy mạnh một chiến dịch chống tham nhũng, đồng thời cấm PLA tham gia hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sự lơ là của Bắc Kinh trong thời gian gần đây khiến nạn tham nhũng lan tràn trở lại trong PLA.
Đối với những người dùng tiền để mua bán tước vị, tham nhũng là cách nhanh nhất để thu hồi vốn. Họ có thể cho các doanh nghiệp tư nhân thuê đất quân sự, bán biển số xe, sử dụng trái phép các căn hộ của PLA hay khai khống tiền mua vật dụng và trang thiết bị quân sự.
"Rõ ràng chính phủ phải diệt nạn tham ô, hối lộ trong quân đội. Đây là nhiệm vụ bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lực lượng vũ trang", một quan chức quân sự cấp cao đã nghỉ hưu bình luận.
Lời cảnh báo từ quá khứ
Mối quan ngại về nạn tham nhũng trong quân đội xuất hiện trùng với lễ kỷ niệm 120 năm Chiến tranh Trung - Nhật. Người Trung Quốc sẽ không bao giờ quên cuộc chiến ấy. Nó kết thúc bằng việc đảo Đài Loan rơi vào tay Nhật Bản.
Sau đó một thế kỷ, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo một lần nữa lại tệ hơn bởi tranh chấp xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Những cuộc đụng độ thường xuyên giữa tàu và máy bay chiến đấu của hai nước khiến người ta lo ngại về một cuộc chiến trong tương lai.
Lúc này, người ta đang nhắc tới cuộc chiến trong quá khứ để làm bài học cho tương lai. Theo họ, nạn tham nhũng chính là lý do dẫn tới thất bại cay đắng của nhà Thanh trước quân đội Nhật Bản từ hơn một thế kỷ trước.
"Trong những năm cuối cùng của nhà Thanh, quân đội đã hoàn toàn suy yếu, vô kỷ luật, không phép tắc, đắm chìm trong cờ bạc, tửu sắc, ma túy và tệ nạn", một bài báo trên tờ Sunday Times cho hay.
Quân nhân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Hiện tại, quân đội Trung Quốc lại thảo luận những vấn đề đó một lần nữa. "Tham nhũng trong quân đội đang ở mức nguy hiểm nhất. Các bạn muốn quân đội nhân dân một lần nữa lặp lại bi kịch lịch sử?", thiếu tướng Kun Lunyan, một nhà bình luận quân sự có ảnh hưởng lớn, viết trong bài báo trên Global Times hồi tháng 5.
Kun nhắc tới việc binh sĩ ngày nay "ghét cay ghét đắng" việc rèn luyện để có vị trí cao trong quân đội, bởi họ có thể làm việc đó theo cách dễ dàng hơn rất nhiều: Dùng tiền để mua quan bán tước.
"Lịch sử đã chứng minh rằng, mối đe dọa lớn nhất tới quân đội không phải là các trận chiến vang tiếng súng và sặc mùi thuốc nổ, mà là sự len lỏi của những tên tham quan trong hàng ngũ", ông nhấn mạnh.