Cuộc nhậu sắp tàn, 3 trong số 7 thanh niên trai tráng trên bàn nhậu đã méo tiếng, giọng lè nhè. Tiến "ngỗng" nhìn sang tôi, vẻ rất tự hào: “Em mà không nương tay, chắc bọn này bò dưới gầm bàn lâu rồi”.
Nói xong, Tiến cởi tung chiếc áo hàng hiệu, để lộ trên ngực trái hình xăm kỳ quái mà tôi chăm chăm nhìn kỹ cũng không tưởng tượng ra nó là hình hài gì. Rất nhanh ý, Tiến hể hả như thể tôi và hắn đã thân thiết với nhau lâu lắm rồi: “Long tranh hổ đấu” đấy chị ạ! Em phải đầu tư cho nó gần 20 củ (tức 20 triệu đồng) và mất cả tuần không đi đâu, không làm gì để hoàn thành đấy”.
Nhiều dân chơi phải nhờ thợ đánh bạc thuê để gỡ lại sự mất mát trên các chiếu bạc (Ảnh minh họa) |
Câu nói của Tiến khiến thôi thấy chờn chợn trong lòng. Nhưng Tiến là đứa em trai tốt của một người bạn thân của tôi. Vì đã lâu, Tiến không xuống Hà Nội chơi nên mới có cuộc nhậu bí tỉ này. Bởi thế, tôi nhanh chóng xua đi cái cảm giác lo ngại bất chợt, tiếp tục cuộc trò chuyện, gật gù với Tiến và những người khác.
Tiến "ngỗng" quê ở Vĩnh Phúc. Tuy không được học hành đến nơi đến chốn và trầy trật 5 năm mới nhận được tấm bằng tốt nghiệp cấp III, nhưng tại vùng đất V.T, hỏi Tiến ngỗng khá nhiều người biết. 10 tuổi, Tiến cầm đầu nhóm thanh niên trai tráng trong làng đánh một người hơn mình 8 tuổi chỉ vì “nó dám sờ má chị gái em”. 15 tuổi, Tiến vận động bạn bè cùng lớp bỏ học đồng loạt khi “bị cô giáo gọi lên bảng 2 lần/ngày”.
Sở thích chơi bời và “khiếu” đàn anh trong Tiến "ngỗng" hình thành từ rất sớm. Bằng chứng là, năm 13 tuổi, Tiến dẫn 2 người bạn về nhờ bố mẹ nuôi giúp, với lý do: “Nhà chúng nó nghèo quá, lại đông anh em, không có tiền đong gạo”.
Là con trai duy nhất trong một gia đình buôn bán giàu có ở đất V.T, Tiến "ngỗng" được chiều chuộng và chăm sóc chu đáo, đầy đủ về vật chất. Mới thi đậu cấp III, với điểm vớt vát, Tiến đã được bố mẹ bỏ tiền thuê gia sư dạy kèm các môn dự kiến thi tốt nghiệp. Tuy vậy, Tiến ngỗng vẫn học đúp hai năm lớp 10 và lớp 11. Bởi thế, Tiến mất 5 năm mới có thể học hết THPT.
Hiện tại, Tiến "ngỗng" làm công nhân trong một nhà máy sản xuất bánh kẹo tại khu công nghiệp gần nhà, thế nhưng với tiềm năng vật chất từ gia đình, Tiến vẫn tiếp tục những thú ăn chơi trác táng ở mức quên đời. “Em chỉ trừ các loại ma túy và giết người thôi”, Tiến rất "tự hào" về mức độ ăn chơi của mình
So với những tay cờ bạc chuyên nghiệp, Tiến "ngỗng" tự nhận mình là chân lom dom. Nhưng qua những gì anh ta kể và những gì nghe mấy anh bạn nói về Tiến "ngỗng", khiến tôi có suy nghĩ khác.
Ngô Văn S. (SN 1985), cùng quê với Tiến, nói trên bàn nhậu: “Cái tên Tiến "ngỗng" là do bạn bè cùng tuổi đặt cho. Ngày còn nhỏ, Tiến rất thích về quê ngoại chăn ngỗng vớ các cậu và các em. Thậm chí, Tiến thường xuyên bỏ học, trốn về quê chỉ để ra đồng chăn ngỗng và nghịch bùn. Đến khi, bố mẹ về quê ngọt nhạt mãi, Tiến mới nước mắt ngắn dài phụng phịu chào ông bà ngoại lên phố đi học. Vì thế, các anh chị em trong nhà gọi là Tiến ngỗng. Dần dần, bạn bè cũng gọi Tiến "ngỗng" thành quen”.
Không phải ngẫu nhiên Tiến lại sẵn lòng chia sẻ với tôi về chuyện cờ bạc, đỏ đen. Theo lẽ thường, dân chơi cờ bạc, nhất là với những tay bạc bịp rất kiệm lời khi nhắc đến “nghề” của mình vì nhiều vấn đề nhạy cảm.
Tiến tâm sự sau khi cạn chén rượu đầy: “Em đã cắm không biết bao nhiêu cái xe, lấy trộm bao nhiêu tiền của bố mẹ, thậm chí tìm bạn bè thuê người mở két sắt của gia đình lúc cần tiền cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Em cũng biết bố mẹ em khổ, các chị gái buồn lòng lắm vì chị nào cũng đi học đại học và có nghề ổn định. Những cờ bạc đã ngấm vào máu em mất rồi, không bỏ được. Có những ngày chơi nhiều, một đêm em có thể “đánh rơi” vài trăm triệu đồng mà chẳng biết tiếc. Càng thua càng cay cú, càng muốn đánh để gỡ, thế nên, chuyện thua vài ba chục triệu đồng/đêm với em hết sức bình thường. Bây giờ em vẫn chơi nhưng không ngu dại như trước đây nữa”.
Bây giờ, những ngày việc ít, chỉ rong chơi, Tiến lại ngày đêm “cày bạc” để giải tỏa buồn phiền. Hết chơi ở quanh nhà, lại chơi ở công ty. Giờ không còn chơi với số tiền lớn nhưng không đánh bạc thì thời gian rảnh rỗi không biết làm gì. Nhiều khi, Tiến đến công ty chỉ để gạ bạn bè đánh bạc nhằm “giết” thời gian. Bao nhiêu nợ nần trước đây, bố mẹ Tiến "ngỗng" đều nuốt nước mắt trả cho con, để khỏi mang tiếng với xóm giềng. Lớn rồi, Tiến tự ý thức sâu sắc hơn về cuộc sống nhưng “máu cờ bạc” thì vẫn luôn chất chứa trong lòng. Tiến ngỗng luôn quan niệm “làm được bao nhiêu, chơi từng ấy”. Họa hoằn, bí bách lắm thì đôi tháng, Tiến lại có phiếu cắm xe máy, điện thoại gửi, nhờ bố mẹ chuộc. Nhưng việc Tiến "ngỗng" đã biết đi làm kiếm tiền cũng coi như một sự thay đổi lớn.
Tiến kể: “Em đã thuộc hạng chơi giỏi nhưng nhiều khi có “khách” hội từ tỉnh khác sang chơi, em vẫn thua liên miên. Mất nhiều quá, phải nghĩ cách để gỡ lại. Nhiều lần bọn em đã phải bỏ tiền ra thuê “thợ” - người chuyên đánh bạc thuê - về chơi thay cho mình. Chỉ cho người ta một số phần trăm nhất định trong chiến thắng đó và chút thù lao gọi là công còn hơn là mất tất cả”.
Tôi nghe Tiến nói thì rất hứng thú và lại muốn tìm hiểu sâu hơn về thế giới đỏ đen vốn đã nhiều tiểu xảo, nay có cả những phận đời đánh bạc thuê. Trong hơi men cay nồng của dư âm bữa tiệc, Tiến "ngỗng" ghé sát tai tôi: “Chị muốn gặp cái thằng đã từng bỏ gần trăm triệu đồng xin một chân làm công nhân của công ty ở Hải Phòng chỉ để cuối kỳ lương tổ chức đánh bạc với nhiều chiêu trò bịp bợm, vơ vét tiền của công nhân không?”. Tôi tròn mắt gật đầu, lòng thầm mong khi hơi men tan biến, Tiến "ngỗng" sẽ không quên lời hẹn với tôi.
Giấc mộng “bàn tay vàng”
Tiến ngỗng kể lại: “Năm em học lớp 8, trong một lần bỏ học đi chơi cùng đám bạn trên Lạng Sơn, em thấy các anh chơi bạc được cả tiền tỷ mang về nhà. Thế là em mê và rất muốn mình cũng có “bàn tay vàng” giống như người anh đó, vừa được oai, vừa có tiền. Bao anh em bạn bè, họ nể phục, làm theo răm rắp. Nhà em không ai theo “nghiệp” cờ bạc cả. Thỉnh thoảng cáu giận, mẹ vẫn mắng em đầu thai nhầm cửa. Em bắt đầu biết cắm xe đạp và cúi mặt vào những trò đỏ đen từ ngày đó. Mới đầu, bạn bè không ai chơi, em phải lần tìm đi chơi ở các tỉnh khác”.