"Với tôi, tìm một người phụ nữ để gắn bó không khó, nhưng tìm một người phụ nữ hiểu mình để chia sẻ buồn vui, cay đắng cuộc đời thật không dễ. Bây giờ, gần 60 tuổi đời, bỗng nhiên biết mình có một đứa con gái, ước mơ tưởng đã tắt lịm bỗng thành sự thật, tôi hạnh phúc cỡ nào chắc không cần phải nói ra. Nhiều người bảo sao không đi thử ADN, biết đâu nó không phải con mình. Tôi nghĩ, ông trời đã cho con người ta một linh cảm huyết thống rất đặc biệt. Nhìn đứa bé, tôi biết nó không thể là con ai khác”.
Thương Tín. |
- Ngoài sự linh cảm không thể giải thích như anh nói, còn điều gì khác khiến anh tin đứa bé chính là con mình?
- Thứ nhất, tôi đã trải qua nhiều mối tình nhưng không muốn vô trách nhiệm trong chuyện con cái, nên luôn thận trọng. Thứ hai, tôi tin đây là tình yêu thật sự của mẹ nó dành cho tôi. Tôi 58 tuổi. Cô ấy mới ngoài 20. Khi cô ấy báo tin có thai, tôi bảo thời điểm này sinh con sẽ không thuận cho em. Tưởng rằng cô ấy đồng ý, nhưng bẵng đi một thời gian, tôi thấy bụng cô ấy càng ngày càng lớn. Tôi không dám hỏi, sợ cô ấy tự ái vì nghĩ mình nghi ngờ sự chung thủy. Nhưng đến tháng thứ bảy, tôi không kìm được nữa, cô ấy thú nhận đã giữ lại cái thai. Tôi hỏi vì sao và sững sờ khi cô ấy nói một câu rất đơn giản: vì em yêu anh.
Tôi cũng nghĩ điều đó đúng. Bởi, Thương Tín bây giờ hào quang danh vọng đã qua, tiền bạc cũng chẳng có mấy, lại tai tiếng rùm trời... nếu không yêu mình cô ấy đã không chọn sự ràng buộc, vì cô ấy còn quá nhiều con đường sáng hơn để chọn lựa.
- Vốn là một lãng tử hào hoa, lẽ nào anh có thể nhanh chóng yêu một người mà sự trải nghiệm cuộc đời còn quá non nớt so với anh?
- Thời hoàng kim, tôi luôn ước ao mình sẽ có một đứa con gái. Nhưng ước hoài mà có được đâu, thậm chí lúc tôi có nhiều tiền nhiều bạc vẫn không thực hiện được ước mơ đó. Đến giờ, điều kiện không còn như xưa, thì lại có. Mỗi lần về thăm con, bàn tay bé xíu của con gái sờ mặt, sờ mũi mình, tôi sướng ghê lắm, sướng không giải thích được. Tôi thương vì cô ấy mang đến cho tôi thứ hạnh phúc tưởng không bao giờ có được.
Vợ và con gái. |
- Anh ly hôn ngay thời điểm sự nghiệp đang tỏa sáng nhất để sau đó sống chuỗi ngày dài cô đơn. Anh có thấy hối tiếc khi cuộc hôn nhân đầu tiên của mình đổ vỡ?
- Tôi là người không bao giờ hối tiếc quá khứ. Cuộc sống là hiện tại và những ngày sắp tới, ai rồi cũng già chứ trẻ mãi được đâu. Nhắc lại chuyện cũ, tôi thấy, khi ly hôn, người ta thường nghĩ lỗi do người đàn ông. Trường hợp tôi thì không như vậy. Thứ nhất, tôi không muốn níu kéo một cuộc hôn nhân mà xuất phát điểm không phải vì tình yêu. Thứ hai, tôi quan niệm trách nhiệm góp sức xây nhà là của hai vợ chồng. Cưới nhau rồi có ai muốn ly hôn, hơn nữa mình là nghệ sĩ, ai cũng biết mặt, mới bước chân vào tòa án mọi người đã ồ lên Thương Tín kìa, Thương Tín bỏ vợ kìa... quê lắm chứ! Cũng may, tòa giao đứa con trai sáu tuổi cho tôi nuôi, trong khi gia đình mẹ nó cũng rất giàu có.
- Cuộc ly hôn nào cũng khiến những đứa trẻ mất mát, dù chúng ở với ai sau đó, anh bù đắp cho con thế nào?
- Vợ chồng tôi chia tay khi con mới sáu tuổi. Tôi thấy mình có tội với con. Nhiều khi nhìn ánh mắt buồn của con tôi khổ tâm lắm, nên cũng cố gắng giải thích rằng giờ có thể con chưa hiểu, nhưng lớn lên con sẽ hiểu vì sao ba mẹ ly hôn. Không phải lỗi cha hay lỗi mẹ, nhưng sống chung không hạnh phúc thì đành chia tay. Suốt một thời gian dài tôi không lập gia đình vì muốn bù đắp phần thiệt thòi đó cho con. Bây giờ con đã trưởng thành, tôi cũng mừng. Nói thật, tôi từng làm đạo diễn, nên việc đưa con trai vào phim cũng dễ. Nhưng, tôi chưa muốn vì nếu nó thất bại thì “chết” luôn hai cha con. Hiện con tôi làm đệ tử của nhạc sĩ Thế Hiển và được Thế Hiển đánh giá cao. Tôi thấy vậy cũng ổn.
Trong phim Tình người xứ hoa. |
- Điểm lại những vai diễn của mình trong gần 200 bộ phim đã tham gia, anh có đúc kết được điều gì làm nên sự nổi tiếng của một diễn viên?
- Nghề của mình có nhiều... nghịch lý. Có những phim tôi rất thích, nhân vật mình thủ vai rất hay, mình nhập vai rất hài lòng, khán giả xem cũng thích nhưng lại không được quảng bá rộng rãi... Ám ảnh là một bộ phim như vậy. Tôi vào vai anh bộ đội có máu văn nghệ, trong lúc địch càn quét, tâm lý hoảng loạn, anh bộ đội ấy bỏ ngũ chạy về phía bên kia và được trọng dụng mà không biết bên này mình sắp được làm cha của một đứa bé vài tuần tuổi.
Giải phóng, anh ta đi học tập cải tạo, được giao nhiệm vụ khai thác đá cho đơn vị, những tiếng nổ mìn phá đá ì đùng đã gợi nhớ lúc hoảng loạn chạy về “phía bên kia” trước đây, nỗi ám ảnh đó khiến anh không làm chủ được mình và bị mìn làm trọng thương. Trong lúc điều trị, đồng đội cũ đã tìm cách nhắn tin cho vợ và con gái - những người thân đã sống trong sự nghi kỵ ruồng bỏ của mọi người - đến gặp mặt cha... Chiến tranh thật khốc liệt, lằn ranh giữa sự sống và cái chết cũng mong manh và khắc nghiệt.
Nhưng, bản chất con người, dù ở phía nào, cũng luôn hướng về những điều thiện. Kịch bản quá hay nhưng phim đã chìm khuất và nhân vật mình yêu thích nhất cũng không tồn tại. Trong khi vào vai Sáu Tâm ở Biệt động Sài Gòn, tôi yêu cô gái bán cháo vịt (diễn viên Thúy An), quăng lựu đạn, bóp cò súng vài lần rồi chết ở tập hai, vậy mà khán giả còn nhắc đến giờ. Hồi đó, mới công chiếu Biệt động Sài Gòn, sáu rạp phim lớn ở Hà Nội đều đông kín người. Rõ ràng, sự nổi tiếng của một diễn viên phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm của khán giả dành cho nhân vật mà mình thủ vai.
- Vậy, để được khán giả yêu thích, mỗi diễn viên nên chọn cho mình một tuýp nhân vật cụ thể đáp ứng sự yêu thích đó. Điều này có khiến diễn viên trở nên đơn điệu và có lối diễn nhàm chán?
- Đã là diễn viên thì hiền, dữ, thiện, ác, thông minh, khù khờ... đều phải diễn được. Nhưng diễn được và diễn hay rất khác nhau. Diễn hay là diễn vừa “được” vừa “thật” như chính nhân vật ấy ở ngoài đời. Cùng một tính hiền, nhưng có cả ngàn cách diễn hiền khác nhau. Sự đơn điệu, nhàm chán là do mình lười, không suy nghĩ, thiếu đầu tư tìm hiểu cái tính hiền của nhân vật đó từ đâu ra, tại sao lại hiền...
- Nhìn lại bề dày nghiệp diễn của mình, điều gì khiến anh tự hào nhất?
- Tôi xuất thân từ cải lương nhưng có sáu huy chương vàng liên hoan sân khấu (kịch) chuyên nghiệp toàn quốc. Tôi đến với điện ảnh rất tình cờ nhưng chính điện ảnh lại đưa tôi đến gần khán giả nhất. Năm 1979, khi còn ở trường sân khấu, đạo diễn Lâm Tới mời tôi tham gia vai anh bộ đội trong Nắng đỏ. Sau đó là một loạt phim: Bài ca không quên, Đứng trước biển, Ván bài lật ngửa, đỉnh điểm là Biệt động Sài Gòn đã chạm khắc tên tôi vào lòng khán giả.
Hồi đó, làm phim theo kiểu xong tập nào chiếu tập đó. Nhân vật của tôi đến cuối tập hai thì chết. Cái chết của Sáu Tâm khiến nhiều khán giả hụt hẫng, buồn không muốn coi nữa. Đạo diễn Long Vân cùng biên kịch quyết định vào Sài Gòn gặp tôi bàn cách sửa lại kịch bản theo hướng cho Sáu Tâm... sống lại sau khi được cơ sở tìm cách đưa ra khỏi nhà xác và sau đó tiếp tục đánh tòa đại sứ Mỹ. Thật sự mà nói, hồi đó tôi cũng muốn... sống lại nhưng ở Sài Gòn tôi còn nhiều show khác quá, đành bàn ra: Thôi cho tui chết đi, chứ sống lại thấy... ép quá! Chết như vậy mới khiến người ta nhớ nhiều chứ sống tiếp mà không ai nhớ thì chết sớm lại hay hơn (cười). Tôi luôn tự hào về điều này vì đó là lần đầu tiên tôi biết đến cái uy của điện ảnh là như thế nào.
- Sau “sự cố” đánh bạc năm 2007, cái tên Thương Tín cũng mất hút. Hình như đó là thời điểm người hâm mộ xa lánh một diễn viên “đa tài lắm tật”, từng là cái tên bán vé của sân khấu và các rạp phim?
- Mình lại là nghệ sĩ, là người của công chúng... nên sự quan tâm, đồn thổi càng lớn thêm. Thực ra, trước và sau thời điểm đó tôi cũng được mời tham gia vài phim nhưng tôi từ chối vì muốn giữ cho mình một sự thống nhất trong tính cách và trong lòng khán giả. Đạo diễn Long Vân mời tôi tham gia vai chuẩn tướng (ngụy) Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18, chỉ huy mặt trận Xuân Lộc - Long Khánh, trong khi trước đó, tôi đã là chỉ huy đơn vị bộ đội đánh Tây Nguyên (Buôn Mê Thuột) trong Chiến trường chia nửa vầng trăng của đạo diễn Hồng Sến. Sau đó, ông cũng mời tôi tham gia Những đứa con biệt động Sài Gòn, nhưng tôi không thể nhận lời. Bởi, trước kia mình từng là trinh sát biệt động Sài Gòn đánh vào Caravell, vào tòa đại sứ Mỹ được mọi người yêu mến, kính phục, nay lại vào vai Năm Cam, một trùm xã hội đen khét tiếng trong giới giang hồ. Tôi cũng thích tiền, tôi cũng có khó khăn nhưng tôi vẫn từ chối. Ba bốn năm gần đây, tôi có nhiều đạo diễn mời... nhưng tôi quan niệm nghề đóng phim không phải là nghề đóng bàn đóng ghế. Bàn ghế có thể không hứng anh cũng đóng được, còn đóng phim thì không. Không đam mê hứng thú anh không tài nào làm tốt vai diễn của mình.
- Gần đây, khán giả màn ảnh nhỏ lại thấy Thương Tín bất ngờ tái xuất cùng lúc ba phim truyền hình và anh cũng đang được một đạo diễn nhắm đến một vai trong bộ phim nhựa: Lối thoát... Phải chăng anh đã tìm lại được đam mê, hứng thú của mình?
- Chính xác là khoảng vài tháng gần đây tôi trở lại với điện ảnh. Lý do cũng đơn giản: Trước kia im lặng là do không hứng thú, giờ tôi đã lớn tuổi, lại có con nhỏ nên phải cố gắng làm mong kiếm chút ít để dành cho con sau này.
- Trong suy nghĩ của nhiều người, anh là một tay chơi có hạng, thậm chí bất cần đời, nhưng xem ra anh là một người cha rất dễ mềm lòng. Nhược điểm lớn nhất của anh là gì?
- Ai cũng bảo trông tôi hầm hố, ngang tàng, tính tình chắc là khốc liệt lắm. Ít người biết đằng sau cái ngang tàng hầm hố đó tôi lại rất mong manh, yếu đuối. Tôi nghe ai than thở điều gì là sụp ngay. Tuy nhiên, nhược điểm ghê gớm nhất của tôi nhưng lại được nhiều người thương có lẽ đó là tôi nói quá... thật. Có những chuyện lẽ ra không nên nói mà cứ nói. Nếu tôi như người ta, khôn khéo chút, đời mình đã sướng hơn bây giờ.