Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thảm họa show 'Squid Game'

Squid Game: The Challenge, show thực tế của Anh dựa trên bộ phim nổi tiếng, hứng chỉ trích khi nhiều người chơi tố bị bỏ mặc, và các điều kiện của show hoàn toàn vô nhân đạo.

Tham hoa Squid Game anh 1

Khi hay tin Netflix sẽ thực hiện phiên bản chương trình thực tế dựa trên bộ phim ăn khách Squid Game, John (tên đã được thay đổi) quyết định thử sức. Niềm yêu thích mãnh liệt đối với loạt phim gốc đã giúp anh được chọn làm một trong 456 thí sinh tham gia ghi hình ở Vương quốc Anh.

"Tôi nghĩ mình sẽ chiến thắng vì tính cạnh tranh của tôi rất cao. Những trò chơi này, tôi cực kỳ giỏi. Chúng là trò may rủi, may mắn và sử dụng đến trí thông minh. Tôi sống vì những thứ như thế", John tự tin khẳng định với Variety.

Thế nhưng vào ngày thi đầu tiên, John và 227 người khác đã bị loại ở thử thách "Đèn đỏ, đèn xanh".

Trò chơi kinh dị

Ngày 15/1, The Sun xuất bản bài báo có tiêu đề "Trò chơi con mực kinh dị ở Vương quốc Anh", miêu tả cách các thí sinh đã bị bỏ mặc lạnh cóng ra sao trong nhà chứa máy bay ở Bedford, miền Đông nước Anh, sau trò chơi giữ tư thế giống bức tượng trong gần 30 phút. Vì thời tiết khắc nghiệt, nhiều thí sinh đã không thể chịu nổi.

Studio Lambert, nhà sản xuất show thực tế, thừa nhận trường quay rất lạnh nhưng người chơi đã chuẩn bị cho điều đó. Công ty này khẳng định mọi biện pháp phòng ngừa và bảo vệ đã được thực hiện.

"Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe của dàn cast và ê-kíp cũng như chất lượng show. Bất kỳ thông tin nào tố cáo cuộc thi gian lận hoặc gây tổn hại đến người chơi, đều sai sự thật. Chúng tôi có biện pháp phòng ngừa an toàn, thích hợp, chăm sóc cẩn thận cho mỗi thí sinh. Chúng tôi thuê cả trọng tài độc lập giám sát từng trận đấu để đảm bảo tính công bằng" - phản hồi của Studio Lambert.

Tuy nhiên, John và 2 người chơi khác nhấn mạnh với Variety rằng, họ chưa bao giờ đăng ký thử thách thể chất mà họ đã trải qua. Họ chỉ được thông báo sẽ mất khoảng 2 tiếng chơi game, nhưng thay vào đó, thử thách kéo dài gần 7 tiếng ở thời tiết dưới 0 độ C. Một số thí sinh đã gục ngã trên trường quay trước khi thi đấu.

John nói: "Đây không phải chương trình sống còn của Bear Grylls. Nếu nhà sản xuất thông báo trời sẽ lạnh như vậy, không ai phải ngất xỉu".

“Hãy tưởng tượng các bạn chơi trò 'Đèn đỏ, đèn xanh' trong 6 tiếng. Trò chơi gì vậy? Đây không phải là trò chơi nữa. Niềm vui bây giờ đã tàn. Tôi không thể nói với mọi người rằng tôi phải đứng dưới nhiệt độ đóng băng chỉ trong một bộ đồ thể thao và 2 đôi tất", John tâm sự.

Tham hoa Squid Game anh 2

Búp bê chết chóc khổng lồ Younghee được giữ nguyên trong show thực tế. Ảnh: Architecturaldigest.

Người chơi Marlene (tên đã được thay đổi) bức xúc nói buổi quay hình chắc chắn không diễn ra dễ dàng như Netflix đã tuyên bố. "Các điều kiện của show hoàn toàn vô nhân đạo và không liên quan đến trò chơi", cô chia sẻ.

Vào ngày ghi hình đầu tiên, tất cả thí sinh được đánh thức lúc 3h30. Với yêu cầu không tương tác với người chơi khác, họ im lặng di chuyển bằng xe buýt đến Bedford's Cardington Studios, nhà chứa máy bay cũ của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh cách khách sạn 2 tiếng lái xe.

Tại thời điểm này, người chơi có quyền mặc áo khoác và được phát túi giữ nhiệt tay chân, 2 bộ quần áo giữ ấm. Một vài máy sưởi di động trong lều tỏa ra lượng nhiệt vừa đủ cho những người đứng gần nhau.

Thí sinh bị tịch thu điện thoại nên không biết chính xác trận đấu bắt đầu từ lúc nào, nhưng họ đoán vào khoảng 13h hoặc 14h, sau giờ nghỉ trưa. Khi game bắt đầu, áo khoác, túi giữ ấm bị lấy đi để camera nhìn thấy số thứ tự của họ cũng như máu giả sẽ phun ra từ thiết bị đeo trên ngực nếu thí sinh bị loại.

Trong khi John kể bị chóng mặt và "đầu đau như búa bổ", theo Marlene ước tính, ban đầu khoảng 4 người bị ngất và sau khi đội ngũ y bác sĩ được gọi đến lần thứ 11, tất cả thí sinh còn lại đã được nghỉ ngơi vì quá lạnh.

"Tôi cực kỳ tức giận khi nhà sản xuất nói chỉ vài thí sinh bị thương. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh như vậy, thậm chí chẳng có cảm giác gì với bàn chân hoặc ngón chân của mình cả", người chơi Jenny nói trong nước mắt. Cô yêu cầu Netflix chịu trách nhiệm.

Ba người chơi này đã trở về khách sạn vào lúc 19h nhưng đến nửa đêm vẫn chưa dùng bữa vì quá mệt.

"Nhà sản xuất nên chịu trách nhiệm"

Theo Variety, quản lý 456 thí sinh trong một ngày là công việc cực kỳ khó, kể cả đối với 2 công ty sản xuất hàng đầu nước Anh là Studio Lambert và The Garden. Do vậy, họ không tránh khỏi sai sót.

Một giám đốc điều hành chuyên về show thực tế cho biết việc chăm sóc 456 người chẳng khác nào "cơn ác mộng". Không chỉ về trang phục, thức ăn, ê-kíp còn phải chuẩn bị chỗ ở, phương tiện di chuyển và hàng tá thứ khác. Đó là bài toán cực kỳ phức tạp và căng não.

"Thời gian quay show thực sự rất dài. Ê-kíp phải đưa thí sinh ra ngoài từ rất sớm, và nếu ghi hình vào mùa đông ở Vương quốc Anh, Chúa ơi, chúng tôi phải tìm đến tất cả nhà cung ứng về trang phục giữ nhiệt mất", vị CEO chia sẻ.

Ngoài ra, giám đốc điều hành nói thêm rằng, hủy bỏ một cảnh quay trong điều kiện bất lợi là hành động có trách nhiệm của công ty sản xuất, và Netflix cho thấy họ đã có trách nhiệm phần nào.

"Nếu đối tác than phiền về một vấn đề cụ thể và chúng tôi buộc phải chi từ 250.000 đến 500.000 bảng Anh để giải quyết, đó là điều dĩ nhiên. Công ty lớn như Netflix chắc chắn cũng hành động tương tự".

Tham hoa Squid Game anh 3

Show thực tế Squid Game ở Anh gây ra nhiều ý kiến tranh cãi sau ngày ghi hình đầu tiên. Ảnh: Variety.

Trên thực tế, 3 trong số 456 thí sinh của Squid Game: The Challenge cho Variety biết họ đã nhận được sự hỗ trợ sau ngày ghi hình thảm họa, nhưng chỉ ở mức tạm chấp nhận.

Người chơi Jenny phát biểu: "Quy trình nộp đơn tham gia không giống bất cứ điều gì tôi từng làm. Việc kiểm tra lý lịch và kiểm tra tâm lý… họ gửi email, gọi điện hoặc nhắn tin cho tôi hàng ngày suốt nhiều tháng. Những người tôi giao tiếp tại Studio Lambert rất tốt bụng. Tôi đã nghĩ đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, đây là những người tuyệt vời. Nhưng khi trò chơi bắt đầu, tôi lại phải thốt lên: 'Chuyện gì xảy ra với những người này vậy?'".

Squid Game: The Challenge là chương trình trò chơi thực tế dựa trên bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc. 456 người từ khắp nơi trên thế giới tham gia trò chơi sinh tồn với giải thưởng trị giá 4,56 triệu USD. Chương trình bao gồm 10 tập được quay hình tại Anh.

Stephen Lambert, Tim Harcourt và Toni Ireland của Studio Lambert và John Hay, Nicola Hill và Nicola Brown của The Garden là những cái tên chịu trách nhiệm điều hành sản xuất show này.

Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History. Đây là cuốn sách đầy ắp những câu chuyện trên phim trường, chi tiết kỹ thuật, giai thoại hài hước về các diễn viên, chiến lược của các nhà điều hành hãng phim hay sự phàn nàn về các nhà phê bình.

Cuộc tái ngộ của hai tài tử quyến rũ nhất thế giới

Brad Pitt và George Clooney - hai tài tử được People bình chọn là Người đàn ông quyến rũ nhất thế giới vào năm 1995 và 1997 - tái ngộ trong bộ phim mới.

Quốc Minh

Bạn có thể quan tâm