7h sáng ngày 12/10, anh Đinh Công Hoan (29 tuổi, dân xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) quỳ gối bên thi thể một người đàn ông lấm lem bùn đất, khóc nức nở.
Người nằm đó là ông Đinh Công Huynh (51 tuổi), bố anh Hoan, vừa được đội tìm kiếm cứu nạn đưa ra từ đống đổ nát hoang tàn.
Cách đó khoảng 200m, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm 4 người thân của anh bị đất đá chôn vùi.
Xóm Khanh tan hoang sau trận sạt lở chôn vùi 18 người. Ảnh: Lê Hiếu. |
Điềm báo
Bố con anh Hoan không ít lần mâu thuẫn. Nhưng chưa bao giờ ông Huynh đuổi con trai ra khỏi nhà. “Tôi và vợ được sống đến giờ này có lẽ do linh cảm của bố”, anh Hoan bắt đầu câu chuyện trong nước mắt.
Nhà anh Hoan cách thác Khanh khoảng 300 m. Đã lập gia đình, nhưng anh Hoan và vợ vẫn sống chung với bố mẹ. Cuộc sống của họ trước đây dựa vào những ruộng lúa và việc đánh cá dưới chân con thác này.
Buổi tối hôm trước, anh Hoan và bố xảy ra mâu thuẫn. Ông Huynh tức tối đuổi vợ chồng con trai ra khỏi nhà. Tính ông Huynh là thế, một khi đã quyết, khó ai có lay chuyển được.
Sau khi thu dọn đồ đạc, anh Hoan dắt theo vợ ra khỏi căn nhà sàn với ánh điện lờ mờ. Đó là nơi anh đã gắn bó từ lúc lọt lòng.
Bị bố đuổi khỏi nhà vào đêm hôm trước, Hoan may mắn thoát chết. Ảnh: Văn Chương. |
Bước chân khỏi xóm Khanh, anh Hoan tự hứa sẽ không bao giờ bước chân trở lại căn nhà này nữa. Vợ chồng anh đi xe máy ra quốc lộ 6, ngủ nhờ tại nhà một người họ hàng xa. Họ tính hôm sau sẽ bắt xe lên Hà Nội kiếm việc làm.
Anh Hoan kể hàng thập kỷ qua, con thác hiền lành luôn được xem là nguồn sống của những người dân nghèo khó, kham khổ. Vào mua hè, nhiều du khách nước ngoài, sinh viên từ Hà Nội lặn lội đên đây để vùng vẫy, bơi lội.
"Tôi may mắn được sống có lẽ nhờ vào linh cảm của bố tôi"
Anh Đinh Công Hoan
Sáng 11/10, vợ chồng anh vẫn chân thác xúc cá bình thường. Thỉnh thoảng họ giật mình bởi từ trên cao, từng mảng đất nhỏ lở ra từ quả đồi rơi xuống nước. Đó là chuyện lạ, họ chưa từng thấy bao giờ.
Cách nhà anh Hoan khoảng 100 m về phía đường lớn là ngôi nhà sàn của chị Bùi Thị Hiền (30 tuổi). Nửa đêm ngày 10/10, chị Hiền giật mình, tỉnh ngủ bởi thấy căn nhà sàn rung lắc.
Sáng hôm sau, dậy đi làm sớm, người phụ nữ này thấy chuồng trâu nhà mình đổ sập. Khi đó, chị nghĩ rằng trận “động đất” nửa đêm hôm qua là do chuồng trâu đổ vào nhà.
Cả anh Hoan, chị Hiền và những người dân xóm Khanh không hề biết đó lời cảnh báo cho đại thảm họa đang đến gần.
Thảm họa
Khoảng 1h20 sáng 12/10, trời còn tối mù mịt. Mưa như trút nước. Màn đêm bị xé toang bởi một tiếng nổ lớn phát ra từ khu vực chân thác Khanh.
Chỉ trong tích tắc, 5 căn nhà sàn của người dân xóm Khanh đất đá từ đỉnh đồi đổ xuống nuốt chửng, không một dấu vết. 18 con người, trong đó cháu bé nhỏ nhất mới chỉ 3 tháng biến mất dưới đống đất đá khổng lồ.
Người dân nơi đây nói rằng sự việc đến nhanh như một tiếng sét đánh ngang trời.
Năm phút sau, anh Bùi Văn Dũng (26 tuổi) một tay bế con, một tay dìu chị Bùi Thị Hợp (20 tuổi) từ dưới đống đổ nát chạy ra.
Ba khuôn mặt lấm lem bùn đất không che giấu được nỗi sợ hãi. Họ ngoái đầu nhìn về phía căn nhà mình bằng ánh mắt vô thần.
Anh Dũng, chị Hợp và con gái 2 tuổi nhanh chóng được đưa về nhà mẹ đẻ của chị Hợp cách đó không xa. Ba con người ngồi ôm nhau trong góc tối. Thỉnh thoảng, họ lại run lên bởi tiếng đất đá lăn ầm ầm.
10h sáng, khi chắc chắn con gái đã ngủ say, anh Dũng trèo lên quả đồi đối diện hướng mắt về phía nhà mình.
Ngồi bệt xuống đất, anh trầm ngâm dõi theo đoàn cứu hộ đang đào đất tìm kiếm. Nằm dưới đó là bác Huynh, bà Son, chị Sinh, cháu Thắng… và nhiều người hàng xóm khác. Mới hôm qua, họ vẫn còn trò chuyện với nhau.
Anh Dũng nói rằng gia đình mình may mắn sống sót nhờ chiếc đèn pin cũ. Trong ranh giới sinh tử, anh may mắn quờ quạng tìm thấy chiếc đèn pin để bật lên nguồn sáng lờ mờ.
Nguồn sáng đó đủ để anh vượt qua nỗi sợ hãi tìm lại sự sống cho cả gia đình tưởng như đã bị dòng thác cướp đi rồi.
Anh Dũng nhớ lại giây phút sợ hãi nhất trong cuộc đời của mình. Ảnh: Văn Chương. |
Lúc đó, vợ và con anh đã bị đất vùi lấp đến nửa thân người. Nếu không có nó, bản thân anh cũng không thể chạy thoát chứ đừng nói đến việc cứu người thân của mình.
Từ trên đỉnh đồi, thỉnh thoảng anh Dũng lại nghe tiếng gào thét, ai oán ở dưới vọng lên. Trong căn nhà sàn, chị Đinh Thị Xuân (40 tuổi, vợ anh Đinh Công Sinh) và ba đứa con khóc lặng, nằm vạ vật bên thi thể của chồng.
'Nếu anh ấy sống ích kỷ, tôi đã không góa bụa, con tôi không phải chịu cảnh mồ côi cha'
Chị Đinh Thị Xuân nói trong nước mắt
Anh Sinh, 41 tuổi, là một người tốt bụng và dũng cảm. Nửa đêm, thấy mặt đất rung chuyển, anh chạy nhanh xuống nhà hàng xóm gọi họ thức dậy.
Bùn đất và những tảng đá lớn lăn xuống quá nhanh, anh mãi mãi nằm lại cùng những người hàng xóm xấu số.
Trời mỗi lúc mưa một nặng hạt. Đứng trên đồi, nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn xuống phía thung lũng hoang tàn.
Rời hiện trường, anh Dũng lê bước chân, đi bộ men theo quốc lộ 6 đến đám tang tập thể của 5 người hàng xóm. Không có địa điểm, họ hàng của họ phải tổ chức tang lễ ở ven đường.
Những giấc ngủ vội
2h sáng, tiếng chuông phòng trực ban Công an huyện Tân Lạc rung liên hồi. Từ đầu dây bên kia, một người báo về thảm họa xảy ra tại xóm Khanh bằng giọng nói run run như sắp khóc. Toàn bộ quân số của Công an huyện Tân Lạc được huy động tới hiện trường.
18 người dân hiền lành bị chôn vùi dưới chân thác Khanh. Ảnh: Lê Hiếu. |
Khi trời còn tờ mờ sáng, 300 chiến sĩ tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn được Bộ Quốc phòng huy động đến hiện trường. Theo một lãnh đạo UBND huyện Tân Lạc, có thời điểm, tại hiện trường có đến gần 500 người tham gia cứu hộ.
Tiếp cận hiện trường, các chiến sĩ chủ yếu dùng tay để đào bới đất. Họ hợp sức di chuyển những tảng đá lớn để tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát. Nạn nhân đầu tiên được tìm thấy là anh Đinh Công Sinh, vào lúc 4h sáng.
Mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đầu bùn đất, một chiến sĩ trong đội tìm kiếm lững thững bước về phía lán dã chiến. Anh có mặt ở hiện trường vào lúc hơn 2h sáng. Khi đó, trời còn tối mịt, nguồn điện bị cắt để đảm bảo an toàn.
Tiếp cận hiện trường, anh và các đồng đội lạnh sống lưng bởi đống đất đá cao ngút ngàn. Trời mưa tầm tã, nhiều lần đội cứu hộ phải chạy ra ngoài bởi đất đá từ trên cao tiếp tục ầm ầm đổ xuống.
Trong lúc đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ở đống đất đá, một số cán bộ chiến sĩ đã bị sụt xuống bùn sâu đến nửa người và không thể tự mình lên được. Họ đều hiểu rằng, chỉ một sơ sót nhỏ sẽ trở thành những nạn nhân tiếp theo.
Khuôn mặt ai cũng căng thẳng, mệt mỏi ở mảnh đất tang thương này.
11h sáng, chó nghiệp vụ, máy dò thân nhiệt được chuyển từ Hà Nội vào hiện trường. Tại lán dã chiến dưới chân quả đồi đối diện thác Khanh, các chiến sĩ quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy tranh thủ ăn mì tôm, lương khô rồi chợp mắt. Giấc ngủ vội lấy lại năng lượng để thay ca cho đồng đội của mình.
Ngồi dưới mái của căn nhà bị cơn lũ cuốn phăng gần một nửa, thiếu úy Tạ Quốc Dũng, Phòng Sử dụng động vật nghiệp vụ - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) cùng chú chó nghiệp vụ tên Kha đang tranh thủ nghỉ ngơi. Cả hai đều ướt sũng và cơ thể bê bết bùn.
Thiếu úy Tạ Quốc Dũng cùng chú chó nghiệp vụ tên Kha tranh thủ nghỉ ngơi sau 8 tiếng làm nhiệm vụ. Ảnh: G.M. |
Thỉnh thoảng Dũng lại xoa đầu Kha như đang dặn dò điều gì đó. 8 tiếng đồng hồ, đôi bạn này đội mưa, đi bộ trên dòng bùn ngập đến đầu gối để tìm kiếm các nạn nhân.
Hai ngày liên tục tìm kiếm từ sáng đến chiều tối, nhiều lúc Kha kiệt sức, nằm phục dưới đất thở dốc. Dũng lấy bi đông nước bên hông đổ vào tay cho Kha uống.
Họ nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục nhiệm vụ. Hơn ai hết, cả Dũng và Kha đều mong muốn sớm tìm được các nạn nhân trong vụ sạt lở.
Chiều 12/10, 8 cỗ quan tài nằm song song trong lán dựng tạm của đội tìm kiếm cứu nạn, cách hiện trường chưa đầy 100 bước chân. Thi thoảng, một vài chiến sĩ đội tìm kiếm cứu nạn tranh thủ lúc thay ca lặng lẽ tiến tới thắp hương cho người vắn số.
Nhiều nạn nhân nằm trong quan tài không có người thân bởi tất cả thành viên trong gia đình đều nằm lại ở dưới đó. Xóm Khanh trở thành một nấm mồ tập thể.
Không có phép màu
Sáng 15/10, tâm lý đội tìm kiếm cứu nạn chùng xuống khi phát hiện thi thể một người phụ nữ ôm chặt hai con. Đứa lớn lên 9 tuổi, còn đứa nhỏ mới vừa tròn 3 tháng.
Khi được tìm thấy, họ vẫn đắp trên mình chiếc chăn màu đỏ. Thảm họa ập xuống, chị Đỗ Thị Sinh (37 tuổi) vẫn ôm chặt, chở che cho hai con của mình. Nhìn cảnh tượng này, đoàn tìm kiếm cảm thấy quặn lòng.
Đã 5 ngày liên tiếp, đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quận sự tỉnh Hòa Bình luôn túc trực tại hiện trường. Ông nói rằng việc tìm kiếm càng lúc một khó khăn.
Chiến sĩ Đinh Công Thịnh bật khóc tại hiện trường. Anh nghe tin nhà mình bị sập nên xin phép đơn vị về quê. Nhà chiến sĩ Thịnh có hai người mất là bà nội và bố. May mắn mẹ và em trai Thịnh không ở nhà nên thoát chết. |
Đến ngày 14/10, khi búa máy bất lực trước những tảng đá lớn, đội cứu hộ đã phải dùng đến máy khoan mìn.
'Đến giờ phút này chúng tôi xác định sẽ không có phép màu nữa rồi'.
Đại tá Vũ Thành Nam
Sáng 12/10, anh Đinh Công Hoan an táng bố, rồi 3 ngày sau, an táng mẹ và hai em. Trong khi thi thể bà nội anh vẫn chưa tìm thấy.
Chỉ trong một đêm, Hoan mất đi 5 người thân, 3 lần làm đám tang cho họ. Không có một phép màu nào xảy ra đối với Hoan và 18 người dân xóm Khanh.
Đến sáng 17/10, đại diện UBND huyện Tân Lạc cho biết đã tìm kiếm được 14/18 thi thể người mất tích. Do có quá nhiều đá lớn, đội tìm kiếm cứu nạn phải nổ nhiều mìn. Sau khi chuyển ra, xác các nạn nhân tìm thấy được người thân đưa đi an táng.