Người phụ nữ bế con đứng bên ngoài Viện Ung thư Uganda. Ảnh: Monitor.co.ug |
Victoria Akware, một bệnh nhân ung thư ở Uganda, đang lâm vào tình thế đau lòng. Người phụ nữ 55 tuổi bán đất nhằm trang trải chi phí tới thủ đô Kampala để điều trị tại cơ sở đặc trị ung thư duy nhất trong cả nước. Song máy xạ trị của cơ sở, cũng là thiết bị điều trị ung thư duy nhất ở Uganda, vừa hỏng.
Lựa chọn duy nhất để xạ trị là sang nước láng giềng Kenya, việc mà Akware không thể thực hiện vì lý do tài chính. Trên thực tế, bà còn chẳng có đủ tiền cho hành trình trở về. Vì thế Akware đang sống tại một khu nhà trọ dành cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư.
“Tôi cảm thấy tồi tệ, trong khi cơn đau vẫn hành hạ hàng ngày và tôi chẳng có tiền để chi tiêu. Chúng tôi đã phá sản, chẳng còn tiền để làm bất kỳ việc gì. Giờ đây tôi chỉ có thể cầu Chúa giúp”, Akware tâm sự.
Người phụ nữ cười gượng, nhưng luôn suy nghĩ về sự hy sinh tài chính mà bà và những thành viên trong gia đình hy sinh để bà có thể tới thủ đô.
Tình thế tuyệt vọng
Mọi giường trong nhà trọ chật chội cạnh Bệnh viện Mulago, nơi có Viện Ung thư Uganda, đều không còn trống.
Người nhà bệnh nhân cũng trải đệm, gối xuống sàn nhà để nghỉ ngơi. Vài phụ nữ trong số họ phải mang theo con để chăm sóc. Mọi người tới Bệnh viện Mulago để trị ung thư, nhưng do máy xạ trị hỏng, họ không còn vũ khí chủ lực trong cuộc chiến chống tử thần.
Phương pháp xạ trị sử dụng chất phóng xạ để diệt tế bào ung thư trong các khu vực trên cơ thể. Con người có thể áp dụng phương pháp để điều trị nhiều loại ung thư. Những tế bào lành có thể phục hồi sau tổn thương do xạ trị, nhưng các tế bào ung thư không thể.
Các biện pháp điều trị khác cũng đang được áp dụng ở Uganda, nhưng Viện Ung thư cho biết, 3/4 trong số 44.000 bệnh nhân ung thư mới trên cả nước năm ngoái phải xạ trị. Vì thế việc máy hỏng là vấn đề lớn.
Rất có thể số lượng người cần xạ trị sẽ còn tăng trong bối cảnh tỷ lệ người mắc ung thư đang tăng dần ở Uganda cũng như nhiều nước khác tại châu Phi.
Bệnh nhân chờ máy mới
Chính phủ Uganda thông báo họ đã mua một máy xạ trị mới và nó sẽ bắt đầu phục vụ trong vòng 6 tháng tới, sau khi việc xây hầm đặc biệt để chứa máy hoàn thành. Nhưng Bộ Y tế đã biết họ phải thay máy từ ít nhất 5 năm trước. Vì thế nhiều người nghi ngờ tiến độ mua máy mới sẽ chậm hơn nhiều so với kế hoạch.
Máy xạ trị của Viện Ung thư Uganda, nơi duy nhất đặc trị ung thư tại quốc gia thuộc vùng Đông Phi. Ảnh: BBC |
Trong khi đó, chính phủ thông báo họ có thể hỗ trợ kinh phí cho khoảng 400 bệnh nhân điều trị ở nước ngoài, song bệnh nhân phải tự trang trải phần chi phí còn lại.
Điều trị ung thư không chỉ là cuộc chiến gian nan đối với người nghèo, mà ngay cả những bệnh nhân ung thư thuộc tầng lớp trung lưu cũng cảm thấy bế tắc.
Elizabeth Mugalu, một người sống ở khu vực Muyenga thuộc ngoại ô thành phố Kampala, phát hiện ung thư vú từ năm 2010.
Sau khi nghỉ hưu (trước đó Mugalu giảng dạy và viết văn), bà và chồng bắt đầu xây ngôi nhà mơ ước. Nhưng quá trình xây dựng chưa hoàn thành do họ phải dành tiền cho việc điều trị ung thư của bà.
Ban đầu, Mugalu tới các bệnh viện tư. Nhưng khi không còn có đủ tiền để trang trải viện phí, bà tới Bệnh viện Mulago, nơi có mức phí thấp hơn.
Khi máy xạ trị ở Bệnh viện Mulago hỏng, cựu giáo viên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tới Nairobi, thủ đô của nước láng giềng Kenya. Tại đây bà trả 1.000 USD cho việc điều trị. Chi phí này chưa bao gồm tiền dành cho nhà trọ, mua thực phẩm và đi lại.
“Rất ít người Uganda có thể trang trải chi phí điều trị ung thư ở nước ngoài. Giới lãnh đạo không hiểu nỗi khổ mà người dân trải qua, bởi nếu mắc bệnh họ sẽ không điều trị ở Uganda. Nếu họ điều trị tại Bệnh viện Mulago, tôi tin chắc họ sẽ hiểu tình cảnh hiện nay”, Mugalu nói.
Trải nghiệm bản thân thôi thúc Mugalu trở thành người đấu tranh về vấn đề y tế. Bà gia nhập Tổ chức Hỗ trợ Ung thư ở phụ nữ tại Uganda.
Bệnh nhân tại Viện Ung thư Uganda. Ảnh: theinsider.ug |
Việc máy xạ trị hỏng khiến một bộ phận dư luận Uganda giận dữ. Nhiều người nói thực trạng ấy phản ánh sự yếu kém của hệ thống y tế. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức chi tiêu y tế bình quân đầu người của chính phủ Uganda thấp nhất khu vực Đông Phi.
Nhưng ông Elioda Tumwesigye, Bộ trưởng Y tế Uganda, khẳng định chính phủ vẫn quan tâm tới y tế. Theo ông, mặc dù phải ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như làm đường hay xây dựng hệ thống điện và quốc phòng, chính phủ vẫn tăng ngân sách cho Viện Ung thư, và các bộ trưởng cũng đóng góp cho Viện Ung thư với tư cách cá nhân.
“Chúng tôi mua quan tài cho các bệnh nhân khi họ qua đời. Đôi khi chúng tôi thanh toán hóa đơn của những bệnh nhân trong bệnh viện. Vì thế chúng tôi hiểu tình cảnh của họ. Cả cha và mẹ tôi đều qua đời vì ung thư. Họ điều trị tại Bệnh viện Mulago”, ông nói.
Vị bộ trưởng tiết lộ rằng Viện Ung thư sẽ xây 7 hầm ngầm để chứa thêm những máy xạ trị khác trong tương lai.
Nhưng không ai biết số phận của hàng nghìn bệnh nhân sẽ thế nào trong khoảng thời gian từ hiện tại tới khi các cỗ máy hoạt động. Và Akware cũng không biết liệu cô còn cơ hội điều trị bằng máy hay không.