Thầy trò Erik ten Hag có thêm ngày thi đấu tồi tệ ở mùa này, sau những trận gặp Brentford, Liverpool, Newcastle hay Man City. Nhưng nhìn rộng ra, trận thua trước Sevilla đến ở thời điểm rất phù hợp.
7 ngày nữa là thời điểm vòng đấu thầu thứ 3 trong việc mua lại MU được ấn định. Bên cạnh Hoàng gia Qatar và Sir Jim Ratcliffe, Elliott Management, The Carlyle Group và Ares Management cũng vào cuộc với mong muốn lại một phần quyền sở hữu đội bóng.
Vào lúc này, câu chuyện nhà Glazer chịu bán MU hay không mới thật sự quan trọng. Ngay cả khi "Quỷ đỏ" giành chiến thắng trước Sevilla, điều đó vẫn không thể giúp CLB thay đổi cán cân vị thế ở thành Manchester. Họ vẫn là số 2, xếp sau Manchester City.
Nhà Glazer bị phản đối
Erik Ten Hag làm rất tốt trong năm đầu tiên dẫn dắt "Quỷ đỏ", ông định hình lối chơi, tạo ra bản sắc cho đội bóng. Song, như soạn kịch người Anh John Heywood từng có câu nói nổi tiếng “Thành Rome không thể xây trong một ngày”.
Những CĐV "Quỷ đỏ" có lẽ rất thất vọng lúc này. Nhưng họ sẽ sầu não hơn nếu tiếp tục thấy nhà Glazer điều hành đội bóng trong thời gian tới. Giới chủ Mỹ không được lòng người hâm mộ từ năm 2005, thời điểm gia đình Glazer tiếp quản CLB.
Nhà Glazer vấp phải rất nhiều sự chỉ trích từ khi tiếp quản MU. Ảnh: Reuters. |
Trong chuyến thăm sân Old Trafford lần đầu tiên với tư cách chủ mới đội bóng, Joel, Bryan và Avram Glazer sớm bị CĐV phản đối. Để tránh sự chú ý, họ cố gắng xoay sở vào sân "một cách bí mật". Nhưng lúc rời đi, hàng trăm người hâm mộ liên tục hô vang "Chết đi, chết đi, Glazer".
Những người này còn cố gắng xông vào sân, khiến cảnh sát chống bạo động và chó nghiệp vụ phải được huy động để bảo vệ an ninh. Người hâm mộ còn dựng hàng rào để ngăn nhà Glazer rời Old Trafford, buộc các sĩ quan cảnh sát phải dùng xe chuyên dụng để hộ tống giới chủ Mỹ.
Thông điệp là rất rõ ràng. Nhà Glazer không được chào đón tại Manchester United. 17 năm trôi qua, tình cảm của người hâm mộ "Quỷ đỏ" cho giới chủ Mỹ vẫn không thay đổi. Điều này trái ngược với người láng giềng Manchester City và Chelsea.
Tại sân Etihad có treo biểu ngữ cảm ơn ông chủ Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan vì đầu tư cho Man City. Khi Roman Abramovich buộc phải bán Chelsea, một tấm băng-rôn với dòng chữ "Đế chế La Mã" được treo ở góc khán đài sân Stamford Bridge.
Còn trong và xung quanh sân Old Trafford, các bức tường, ghế ngồi, cột đèn thì đều được dán nhãn "Yêu United Ghét Glazer".
Thời điểm nhà Glazer tiếp quản MU, người hâm mộ rất tức giận, cho rằng giới chủ Mỹ chỉ sử dụng CLB như con bò sữa béo bở để "nuôi" đế chế kinh doanh có trụ sở tại Mỹ của họ, gồm các trung tâm mua sắm trên khắp 20 bang và đội Tampa Bay Buccaneers ở giải NFL. Thực tế không phải vậy.
Thống kê từ ESPN chỉ ra "Quỷ đỏ" chi tới 1,7 tỷ bảng để mua cầu thủ từ năm 2005. Dưới thời nhà Glazer, chỉ Chelsea (18), giành nhiều danh hiệu lớn hơn MU (14). Dù CLB gánh khoản nợ 969 triệu bảng, nguồn thu thương mại tăng gấp 3 lần, từ 210 triệu bảng mỗi năm (2006) lên 615 triệu bảng vào năm 2019.
Dù vậy, tình cảm là thứ khó giải thích. Người hâm mộ tin MU dưới thời nhà Glazer không còn là đội bóng, họ trở thành cỗ máy kiếm tiền. Bởi vậy, giới chủ Mỹ thiếu sự đầu tư thuần chuyên môn bóng đá, khiến CLB trải qua một thập kỷ không giành được chức vô địch Premier League.
MU cần trở lại là đội bóng đúng nghĩa
Không cần phải có IQ của thiên tài để thấy rằng MU bị Man City bỏ xa về chất lượng đội hình. Vì vậy, người hâm mộ ước rằng "Quỷ đỏ" sớm tìm được nhà đầu tư mới, theo đó bổ nhiệm Giám đốc có kinh nghiệm về bóng đá nhằm biến MU trở lại thành đội bóng đúng nghĩa, thế lực để cạnh tranh những danh hiệu.
Trong ngày MU bị Sevilla nhấn chìm, người ta dễ dàng chỉ trích David de Gea và Harry Maguire cho những sai lầm tai hại của bộ đôi này. Nhưng nhìn rộng ra, Erik ten Hag không có lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc phải sử dụng họ trong bối cảnh nhân sự đội bóng bị dạt mỏng vì chấn thương.
MU thảm bại 0-3 trước Sevilla ở tứ kết lượt về Europa League rạng sáng 21/4 (giờ Hà Nội). Ảnh: Reuters. |
Ten Hag biết rất rõ hạn chế của Maguire. Ông không lạ những sai lầm của trung vệ thủ quân CLB. Đó cũng là lý do nhà cầm quân người Hà Lan chỉ sử dụng Lisandro Martinez và Raphael Varane ở vị trí trung vệ mùa này, còn Maguire, Victor Lindelof bị đẩy xuống vai trò dự bị suốt thời gian dài.
MU cần cuộc cách mạng đội hình. Chất lượng nhân sự hiện tại của CLB không thể so với Man City. Muốn vậy, "Quỷ đỏ" cần giới chủ với tiềm lực tài chính vững mạnh, giúp họ thoải mái chi tiêu dù là bản hợp đồng đắt đỏ nhất. Lúc này, MU không thể đấu với người hàng xóm về tài chính.
Ten Hag đưa MU đi đúng hướng. Song, nỗ lực của nhà cầm quân người Hà Lan sẽ chỉ mang tới sự nửa vời nếu CLB thiếu đầu tư vào đội hình. "Quỷ đỏ" cần thêm hậu vệ cánh chất lượng, tiền vệ trung tâm đẳng cấp, trung phong xuất sắc như Frenkie de Jong, Harry Kane, Victor Osimhen...
Nếu MU đổi chủ sớm, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với Ten Hag. Ông sẽ biết bản thân được cấp bao nhiêu tiền để mua sắm tân binh. Nếu chỉ sử dụng những con người hiện tại, "Quỷ đỏ" không thể tiến xa. Tất cả đều thấy khoảng cách giữa cầu thủ đá chính và dự bị đội bóng chênh lệch thế nào.
"Vấn đề không phải ở họ (những cầu thủ vắng mặt hôm nay - PV), mà ở những cầu thủ trên sân. Họ lẽ ra phải chơi tốt hơn. Tôi có niềm tin vào những cầu thủ nhưng họ lại chơi không đủ tốt", Ten Hag nói.
"Quỷ đỏ" vỡ mộng giành cú ăn bốn mùa này. Điều này thực chất không có gì bất ngờ. Với chất lượng nhân sự hiện tại, giới chuyên môn nhận định chỉ việc vào được top 4 tại Ngoại hạng Anh đã là thành công với CLB. Với giới chủ Mỹ, thất bại trước Sevilla như cú đấm khiến họ tỉnh giấc.
Không đổi chủ, MU chẳng thể tiến lên tầm cao mới. Nếu nhà Glazer làm không tốt trong việc biến MU thành đội bóng đi chinh phạt, họ nên nhường quyền điều hành cho người khác.
Cuốn tự truyện “#2sides” được xuất bản năm 2014 kể lại câu chuyện cuộc đời của Rio Ferdinand từ góc nhìn thứ nhất, về những cơn sóng phân biệt chủng tộc tại Anh và cả mâu thuẫn nổi tiếng giữa cựu trung vệ MU và John Terry.