Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ba Lan vào tối 5/7 và sẽ phát biểu tại Warsaw trong chiều 6/7. Ông cũng sẽ tham dự một cuộc họp cùng các nhà lãnh đạo Trung Âu, Baltic và Balkan tại đây trước khi đi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức.
Chuyến thăm này được báo chí Ba Lan so sánh với chuyến thăm lịch sử tới Tây Berlin của Tổng thống John F. Kennedy năm 1963. Tuy nhiên Brussels, đầu não của Liên minh Châu Âu (EU), đang quan ngại chuyến thăm có thể không giúp hàn gắn mà trái lại sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ trong khối.
"Ông Trump đã gây nguy hiểm cho Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đe dọa mối quan hệ giữa châu Âu, Mỹ và NATO, và bây giờ có nguy cơ ông ấy sẽ thổi phồng tình hình rất tế nhị ở Ba Lan và Đông Âu", Guardian trích lời ông Gianni Pitella, lãnh đạo khối các nước xã hội chủ nghĩa cũ của Nghị viện Châu Âu, nói.
Tình hình tế nhị
Các lãnh đạo Tây Âu đang nhìn nhận chuyến thăm của ông Trump tới Ba Lan là động thái thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Warsaw, dù là ngầm hiểu hay tường minh, trong bối cảnh Warsaw liên tục "đối đầu" với EU thời gian qua.
Kể từ khi cầm quyền sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã làm phật lòng Pháp khi hủy bỏ một thỏa thuận mua sắm quân sự, đưa mối quan hệ với Đức xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua.
Ba Lan là một trong những nước ở khu vực tiên phong trong vấn đề kiểm soát nhập cư. Warsaw cũng có cùng quan điểm với Tổng thống Trump, người cổ súy quan điểm chống toàn cầu hóa, khi coi nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu hay nghi ngờ năng lực của các tổ chức quốc tế.
Tổng thống Trump và phu nhân Melania tại sân bay quân sự Warsaw, Ba Lan, tối 5/7 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters. |
Sau vụ đánh bom ở Manchester (Anh) hồi tháng 5, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo đã chỉ trích "sự điên cuồng của giới tinh hoa ở Brussels", những người muốn tạo ra một "điều không tưởng về các đường biên giới mở". Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Blaszczak cáo buộc khủng bố ở Tây Âu xuất phát từ gốc rễ Cơ đốc giáo của lục địa già.
Theo Reuters, mặc dù cam kết duy trì vai trò thành viên liên minh, chính phủ Ba Lan đã cáo buộc EU bị điều hành bởi "luật Đức". Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU áp dụng cách tiếp cận cứng rắn đối với Ba Lan vì Warsaw công kích các "giá trị chung" của khối.
Như một động thái trả đũa, các nhà lãnh đạo EU đã làm mất mặt chính phủ Ba Lan bằng việc tái chỉ định cựu thủ tướng Ba Lan Donald Tusk làm chủ tịch Hội đồng châu Âu vào năm nay (ông giữ chức từ năm 2014). Thủ tướng Szydlo đã tuyên bố sẽ ngăn cản ông Tusk tại vị hết nhiệm kỳ (30 tháng) thứ hai.
Cựu thủ tướng Ba Lan Jarosław Kaczynski, lãnh đạo đảng PiS đồng thời là đối thủ chính trị lâu năm của ông Tusk, cho rằng các quốc gia khác đang phải đối mặt với một tình huống không thuận lợi.
"Chúng ta đạt được thành công mới, đó là chuyến thăm của ông Trump," ông Kaczynski nói trong cuộc họp thường niên của quốc hội. (Những người khác) đang ghen tị, người Anh thì đang tấn công chúng ta vì điều đó".
Theo tường thuật của báo chí Ba Lan, chính phủ nước này đảm bảo sự xuất hiện của ông Trump bằng cách hứa hẹn sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Ba Lan; trái ngược với sự tiếp đón lạnh nhạt mà ông có thể hình dung ở các thủ đô Tây Âu khác.
Thêm dầu vào lửa?
Mặc cho sự phản đối của phe đối lập ở Ba Lan, ông Trump sẽ phát biểu tại đài tưởng niệm cuộc nổi dậy 1944 ở Warsaw chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.
"Ông sẽ ca ngợi sự can đảm của người Ba Lan trong suốt thời kỳ đen tối của lịch sử và tán dương Ba Lan như một cường quốc mới nổi của châu Âu. Ông sẽ kêu gọi mọi quốc gia hãy học hỏi Ba Lan khi đối mặt với những thách thức ngày nay", cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster nói với các phóng viên.
Tổng thống Trump và lãnh đạo một số nước NATO, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong hội nghị tại Bỉ hồi tháng 5/2017. Ảnh: AFP. |
Ngoài các mục tiêu ngoại giao thông thường liên quan đến việc triển khai của quân đội Mỹ tại Ba Lan gần đây hay mong muốn mở rộng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, ông Trump có thể sẽ ca ngợi cam kết của Ba Lan trong việc tiếp tục chi 2% GDP cho quốc phòng và từ chối tiếp nhận người nhập cư Hồi giáo.
Điều này rõ ràng sẽ khiến Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không vui. Từ khi tranh cử, ông Trump đã không ngừng chỉ trích một số thành viên NATO không hoàn thành mục tiêu đóng góp 2% GDP cho quốc phòng. Ba Lan và Mỹ là 2 trong số ít thành viên đạt được mục tiêu.
Ông Piotr Buras, giám đốc Văn phòng Warsaw của Hội đồng Châu Âu, cho biết: "Đối với chính phủ Ba Lan, chuyến thăm của ông Trump là một cơ hội để thể hiện rằng những đồn thổi về việc Warsaw bị cô lập là một câu chuyện hoang đường".
Một số nhà quan sát về ngoại giao của Washington cho rằng Tổng thống Trump có thể muốn sử dụng chuyến đi này để đưa ra một thông điệp rằng ông rất nghiêm túc trong việc xử lý mối quan hệ giữa Mỹ, Nga và NATO.
"Đa số nước (sẽ tham dự hội nghị tại Warsaw) rất ủng hộ NATO và muốn có một sự hiện diện mạnh hơn nữa của quân đội Mỹ ở nước họ", Heather Conley, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.