Bầu cử Thái Lan đầy rẫy những sự “bất thường” và “gian lận” để quân đội có thể tiếp tục nắm quyền, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra kịch liệt chỉ trích trong cuộc phỏng vấn với AFP trong ngày 25/3.
“Mọi người đều biết, những người nước ngoài quan sát bầu cử Thái Lan đều biết, là có những sự bất thường”, ông nói với AFP. “Chúng ta nên gọi tên những điều đó, rằng đây là một cuộc bầu cử gian lận. Điều này không tốt cho Thái Lan”.
Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 9/2006. Em gái ông, cựu thủ tướng Yingluck, sau đó cũng bị lật đổ vào năm 2014 bởi Thủ tướng hiện tại, tướng Prayut Chan-ocha. Ảnh: AFP. |
Hai anh em đều bị quân đội lật đổ
Tỷ phú 69 tuổi bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 9/2006 khi đang đi công du dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại New York. Ông đã sống lưu vong kể từ đó, nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm lên chính trị Thái Lan. Tới tháng 5/2014, em gái ông, cựu thủ tướng Yingluck, lại bị quân đội lật đổ - bởi chính Thủ tướng hiện tại, tướng Prayut Chan-ocha.
Các chính đảng thân Thaksin đã liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử kể từ 2001 tới nay. Phe quân sự đã sửa hiến pháp theo hướng có lợi cho quân đội khi cho phép tự chỉ định 250 ghế của thượng viện (trong tổng số 750 ghế sẽ chọn vị trí thủ tướng).
Ông Thaksin cáo buộc quân đội sắp xếp cuộc bầu cử có lợi cho mình và sử dụng các thủ đoạn ở điểm bỏ phiếu.
“Bất kỳ cuộc chơi nào, nếu luật chơi và trọng tài không công bằng, kết quả sẽ không được tôn trọng”, ông Thaksin trả lời AFP. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ đã có gian lận, ông trả lời “chắc chắn rồi”. Khi được hỏi về bằng chứng, ông nêu ra các thông tin về số phiếu cao một cách đáng ngờ bầu cho đảng thân quân đội ở các tỉnh trọng điểm, cũng như số lượng lớn phiếu bầu bị hủy bởi các quan chức bầu cử.
“Nếu bạn nhìn vào số phiếu và số cử tri đi bầu, số phiếu vượt xa số cử tri ở nhiều tỉnh”, ông nói thêm.
AFP cho biết chiều ngày 25/2, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Thái Lan đã công bố kết quả sau khi kiểm hơn 90% phiếu bầu chọn 350/500 ghế tại hạ viện dựa theo khu vực bầu cử. Theo đó, đảng Pheu Thai dẫn đầu với 137/350 ghế, đảng Palang Pracharat đứng thứ hai với 97 ghế.
Sudarat Keyuraphan, ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thái nói đảng của bà đã “được người dân giao phó nhiệm vụ” thành lập chính phủ liên minh. Bà cũng đề cập đến những “bất thường” và nói đảng của bà sẽ “thu thập bằng chứng về quá trình bầu cử”.
Ông Thaksin cũng dành những lời lên án kịch liệt nhất đối với sự “thao túng” cuộc bầu cử của chính quyền quân sự Thái Lan, trong một bài viết ngày 25/3 trên New York Times.
1,9 triệu phiếu bị hủy
"Ủy ban bầu cử ngừng công bố kết quả tối 24/3, và tuyên bố sẽ hoãn công bố cho đến ngày 25/3... tôi nghĩ chưa từng có sự chậm trễ như vậy trong lịch sử hiện đại của Thái Lan. Rõ ràng chính quyền quân sự đang sợ sệt”, cựu thủ tướng Thái Lan viết.
“Chính quyền quân sự chỉ định ủy ban bầu cử và đã can thiệp vào các cơ quan bầu cử vốn phải được hoạt động độc lập. Họ viết bản hiến pháp mới có lợi cho chính mình”, ông Thaksin viết thêm.
“Thái Lan không sửa đổi được luật hình sự hay thậm chí luật đăng ký xe hơi, nhưng lại thay đổi hiến pháp thường xuyên...
Những người ủng hộ đảng Palang Pracharat cầm poster in hình ông Prayut. Ảnh: AP. |
Mạng xã hội Thái nóng lên với những cáo buộc mua phiếu bầu, hủy phiếu hàng loạt và sự lúng túng của nhân viên các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước, theo AFP. Gần 1,9 triệu phiếu đã bị hủy sau khi 93% số phiếu được kiểm.
Khoảng 400.000 người đã ký một yêu cầu trên trang Change.org đòi sa thải các thành viên Ủy ban Bầu cử. Dự kiến sẽ có thêm những tranh cãi nữa từ giới hoạt động chính trị.
Một điều phối viên cho tổ chức giám sát bầu cử We Watch có trụ sở ở Thái Lan cho biết việc giáo dục nhận thức cử tri là không đủ.
Kết quả 150 ghế còn lại của hạ viện, được lựa chọn theo danh sách đảng, vẫn chưa được công bố. Ủy ban Bầu cử cho biết kết quả của số ghế này sẽ được công bố vào ngày 9/5. Dù vậy, đảng Pheu Thai và đảng Palang Pracharat đều tuyên bố sẽ tìm cách thành lập chính phủ liên minh.
Mỗi đảng hoặc liên minh sẽ cần phải đạt tối thiểu 376 ghế của cả hạ viện (500 ghế) và thượng viện (250 ghế do quân đội chỉ định) để thành lập chính phủ. Cuộc chạy đua để tìm kiếm liên minh được dự đoán là rất gay cấn sau khi kết quả được chính thức công bố.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính của quân đội năm 2014 đã đưa tướng Prayut Chan-ocha lên lãnh đạo chính quyền quân sự.