Năm ngày sau khi phía công tố đưa ra những cáo buộc mới và yêu cầu bắt giam ông Lee Jae-yong, người thừa kế của chủ tịch tập đoàn Samsung, toà án tại Hàn Quốc đã phủ quyết yêu cầu này.
Người thừa kế vị trí chủ tịch tập đoàn Samsung đang vướng vào rắc rối liên quan đến tài sản thừa kế. Ảnh: Reuters. |
Tuy chưa bị bắt giam, Phó chủ tịch của Samsung vẫn đối mặt nhiều rắc rối về pháp lý, theo Nikkei. Ông vẫn đang mắc vào cuộc chiến pháp lý với các công tố viên Hàn Quốc với các cáo buộc hối lộ và tham nhũng.
"Có vẻ như phía công tố đã nắm giữ nhiều bằng chứng trong quá trình điều tra, nhưng lại chưa đưa ra được yêu cầu chính đáng để bắt giam ông Lee", Toà án quận trung tâm Seoul thông báo.
Vụ việc này bắt đầu từ năm 2015 với cáo buộc Lee và Samsung đã dùng các cách thức bất hợp pháp để lên nắm quyền kiểm soát tập đoàn.
Phía công tố viên đã đưa ra các lý lẽ nhằm chứng minh rằng cần phải bắt giam Lee trở lại. Trước đó, ông từng bị giam giữ 1 năm nhưng được tại ngoại vào tháng 2/2018. Trong khi đó, Lee cùng đội ngũ luật sư của mình cho rằng không cần phải bắt giữ ông trong quá trình xét xử.
Sau khi có thông tin Lee không bị bắt giam, cổ phiếu của tập đoàn Samsung đã tăng nhẹ vào sáng 9/6.
Ông Lee, 51 tuổi, hiện là phó chủ tịch của Samsung Electronics và là người thừa kế vị trí chủ tịch của cha là ông Lee Kun-hee. Năm 2014, ông Lee Kun-hee phải nhập viện và được cho là đã hôn mê từ đó tới nay. Do vậy, ông Lee Jae-yong được coi như lãnh đạo cao nhất của Samsung vài năm nay.
Chủ tịch hiện tại, ông Lee Kun-hee được cho là đã hôn mê và không xuất hiện trước công chúng từ năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, quá trình kế vị này vô cùng phức tạp bởi Lee không thể đơn giản tiếp quản mọi tài sản của cha. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đánh thuế thừa kế cao nhất thế giới, tới 50% giá trị tài sản trên 2,5 tỷ USD. Theo Bloomberg, khối tài sản của ông Lee Kun-hee hiện trị giá 18 tỷ USD.
Các công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc lần đầu truy tố thái tử Samsung vào đầu năm 2017 với cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Họ cáo buộc Samsung cung cấp ngựa cùng các khoản thanh toán khác cho một người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm giành được sự ủng hộ cho công cuộc kế vị tập đoàn.
Vụ việc làm bùng lên làn sóng dữ dội trong dư luận Hàn Quốc đối với các tập đoàn quyền lực, còn gọi là chaebol, và cũng là nguyên nhân khiến bà Park Geun-hye bị phế truất.
Ban đầu, Lee bị buộc tội và tuyên án 5 năm tù, nhưng sau đó được hoãn thi hành án vào năm 2018 và được tại ngoại. Tuy nhiên, vụ án chưa kết thúc. Tháng 8/2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc bác bỏ phán quyết hoãn thi hành án đối với Lee của tòa án cấp dưới và yêu cầu tái thẩm toàn bộ vụ án.
Các cuộc điều trần đã hoãn lại khi một thẩm phán bị cho đã thiên vị và xét xử theo hướng có lợi cho Lee. Hiện tại, Tòa án Tối cao phải quyết định sẽ giữ lại thẩm phán trên hay thay thế người khác. Việc này đồng nghĩa rằng vụ án có thể kéo dài sang năm sau.