Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thái Lan, Singapore lên kế hoạch sống chung với Covid-19 ra sao?

Thay vì cố đưa số ca nhiễm về 0, nhiều nước chuyển mục tiêu sang kiểm soát dịch ở mức không gây quá tải hệ thống y tế và có thể duy trì các hoạt động sản xuất, thương mại.

Theo Bloomberg, khi thông báo nới lỏng các hạn chế, bà Apisamai Srirangsan - phát ngôn viên của lực lượng đặc biệt chống dịch Covid-19 của Thái Lan - cho biết "sẽ cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể".

Từ 1/9, người dân Thái Lan được phép đi lại nhiều hơn. Các trung tâm mua sắm và nhà hàng cũng có thể mở cửa trở lại. Thái Lan nới lỏng biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn dao động trong khoảng 20.000 ca.

Đây là một phần của chiến lược sống chung với Covid-19 của Chính phủ nước này. Kế hoạch nhằm từng bước thúc đẩy nền kinh tế đang kiệt quệ và hệ thống y tế quá tải vì đại dịch.

Thái Lan không phải quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á dần nới lỏng các hạn chế để từng bước "sống chung với Covid-19". Singapore cũng thông báo về lộ trình 4 bước để chuyển sang trạng thái bình thường mới và xem Covid-19 như một căn bệnh theo mùa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng.

Singapore lên lộ trình 4 bước để chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ảnh: Reuters.
Song chung voi dich anh 2
Song chung voi dich anh 2

Singapore lên lộ trình 4 bước để chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ảnh: Reuters.

Mở cửa thận trọng

Theo đó, kể từ ngày 10/8, Singapore sẽ cho phép người dân dùng bữa chung bên ngoài theo nhóm tối đa 5 người (nếu đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine). Quy định về số người được phép tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nâng từ 2 lên 5 người. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp đón tối đa 5 khách/ngày.

Công dân Singapore đã tiêm chủng đủ 2 liều vaccine có thể tham gia các hoạt động không cần đeo khẩu trang, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn hoặc những sự kiện quy mô lớn.

Các công dân chưa tham gia tiêm chủng nhưng có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước sự kiện (PET) và công dân đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 cũng được phép tập trung theo nhóm tối đa 5 người.

Theo ông Gan Kim Yon, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, mọi công dân sẽ được phép dùng bữa tại khu hawker (ẩm thực đường phố) và các quán cà phê bất kể tình trạng tiêm chủng - nhưng chỉ theo nhóm tối đa 2 người.

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, quy mô tổ chức các sự kiện, giới hạn về sức chứa tại những trung tâm thương mại, điểm tham quan cũng sẽ được nâng lên vào ngày 19/8. Tại thời điểm đó, các công ty có thể cho phép đến 50% số nhân viên đang làm việc từ xa quay trở lại văn phòng.

Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp Singapore có thể từng bước chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19. Ảnh: Straits Times.
Song chung voi dich anh 3
Song chung voi dich anh 3

Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp Singapore có thể từng bước chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19. Ảnh: Straits Times.

Theo ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, giai đoạn chuẩn bị sẽ diễn trong khoảng 1 tháng kể từ ngày 10/8 đến đầu tháng 9. Đây là giai đoạn đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi 4 bước của Singapore để chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19.

Vào đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số dự kiến đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine, đảo quốc sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn mà Bộ Y tế Singapore đang gọi là “giai đoạn chuyển đổi A”. Đó là thời điểm mà nền kinh tế sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn, với nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch được triển khai trở lại.

Tuy nhiên, ông Ong cho biết khi đó, người dân Singapore cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ gia tăng số ca bệnh và tử vong.

“Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để giảm thiểu tỷ lệ trở bệnh nặng hơn và thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai tiêm chủng cho công dân vẫn rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

Tính đến nay, đã có khoảng 82% dân số Singapore được tiêm chủng ít nhất 1 liều và 78% dân số hoàn thành tiêm chủng 2 liều.

Duy trì các hoạt động kinh tế

Ông Ong cho biết nếu các biện pháp này đem lại kết quả khả quan, Singapore sẽ tiếp tục hướng đến giai đoạn chuyển đổi B, trước khi chính thức bước vào trạng thái bình thường mới.

Ở giai đoạn chuyển đổi B, nền kinh tế tiếp tục được mở cửa trở lại, nhưng vẫn áp dụng các quy định riêng biệt cho từng nhóm đối tượng tùy theo tình trạng tiêm chủng. Giai đoạn sống chung với Covid-19 là mục tiêu cuối cùng, cũng là trạng thái bình thường mới của Singapore.

“Cách tiếp cận của chúng ta sẽ là hành động từng bước một, dự đoán và ra quyết định dựa trên đánh giá", Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh.

Việc mở cửa trở lại diễn ra sớm hơn dự kiến. Nếu thành công, các hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại và thúc đẩy GDP trong năm nay

Nhà kinh tế trưởng Burin Adulwattana tại Ngân hàng Bangkok Pcl

Trong khi đó, những quy định mới của Thái Lan cho phép tụ tập lên đến 25 người (tăng từ 5 người ở thời điểm hiện tại), nối lại các chuyến bay nội địa, mở cửa trở lại công viên công cộng và tiệm làm đầu ở 29 tỉnh.

Thay vì cố gắng đưa số ca nhiễm về 0, mục tiêu chuyển sang kiểm soát các đợt bùng phát ở mức không gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì nhiều hoạt động thương mại những trung tâm chính, bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.

Một số chuyên gia y tế cảnh báo việc mở cửa trở lại quá nhanh có thể khiến số ca nhiễm tại Thái Lan tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Chính phủ nước này, nỗ lực truy vết và tăng cường tiêm chủng cho nhóm dễ tổn thương sẽ giúp giảm số ca nhập viện, tử vong và sự lây lan của virus.

Kể từ đầu tháng 8, một số thành phố và tỉnh - chiếm khoảng 40% dân số đất nước, đóng góp vào 3/4 GDP - đã bị áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt nhất, bao gồm cấm dịch vụ ăn uống tại chỗ, đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và hạn chế di chuyển liên tỉnh.

"Việc mở cửa trở lại diễn ra sớm hơn dự kiến. Nếu thành công, các hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại và thúc đẩy GDP trong năm nay", nhà kinh tế trưởng Burin Adulwattana tại Ngân hàng Bangkok Pcl bình luận.

"Hộp cát nhà máy", "bong bóng an toàn"

Hồi giữa tháng 8, Thái Lan cũng khởi động chương trình thử nghiệm "Hộp cát nhà máy", bao gồm xét nghiệm, tiêm chủng và sắp xếp nơi ăn ở riêng cho công nhân để bảo vệ ngành sản xuất và xuất khẩu.

Kế hoạch tập trung vào những nhà máy có ít nhất 500 công nhân, sản xuất xe hơi, đồ điện tử, thực phẩm và thiết bị y tế. Nhà máy phải có một bệnh viện dã chiến hoặc một cơ sở cách ly, có dịch vụ xe đưa đón nhân viên.

Theo đó, mọi công nhân sẽ xét nghiệm 7 ngày 1 lần và tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những người bị phát hiện dương tính được cách ly tại cơ sở riêng của nhà máy.

Song chung voi dich anh 4

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Datuk Seri Mohamed Azmin Ali. Ảnh: The Star.

Hồi đầu năm, chính quyền Malaysia cũng ban hành sáng kiến "bong bóng công việc an toàn". Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Datuk Seri Mohamed Azmin Ali, sáng kiến sẽ giúp giảm tác động đến năng suất của nhà máy trong trường hợp có ca nhiễm Covid-19.

Theo đó, những công nhân tiếp xúc gần với các ca dương tính sẽ được cách ly khỏi cộng đồng và những lao động khác cho đến khi có kết quả âm tính.

"Các doanh nghiệp sẽ mất hàng triệu ringgit mỗi ngày nếu hoạt động bị ảnh hưởng. Vậy tại sao không bỏ ra vài nghìn ringgit để bảo vệ người lao động? Khi công nhân được an toàn, năng suất lao động cũng tăng lên", ông đặt câu hỏi.

Theo ông Datuk Seri Azmin Ali, cần có một đội ngũ riêng biệt để thực hiện đầy đủ quy trình theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Malaysia. "Một khi đáp ứng mọi tiêu chí, các doanh nghiệp có thể hoạt động dựa trên sáng kiến", ông nói thêm.

Bài liên quan

Thảo Cao