Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Lan giải cứu khách sạn theo phong cách 'tiệm cầm đồ'

Theo kế hoạch giải cứu mới, các doanh nghiệp trong ngành du lịch của Thái Lan có thể cầm cố tài sản để đổi lấy tiền rồi nhận lại trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo Bloomberg, Thái Lan đang hoàn thiện kế hoạch giải cứu các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Kế hoạch nhằm cải thiện khả năng vay vốn ngân hàng của những doanh nghiệp này.

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Thái Lan và các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có thể "cầm đồ" để đổi lấy tiền và nhận lại trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích là giúp những công ty, khách sạn nhỏ không phải thanh lý tài sản hoặc ngừng kinh doanh vì nợ nần.

Khi ngành du lịch Thái Lan sa sút vì đại dịch, các công ty vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng cực lớn. Ngành công nghiệp này chiếm tới 20% GDP Thái Lan, thu hút 40 triệu du khách quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, với lệnh hạn chế di chuyển vì đại dịch, lượng khách nước ngoài trong năm nay dự kiến chưa tới 4 triệu người.

Tiem cam do anh 1

Kinh tế Thái Lan sa sút khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Thiệt hại chưa từng có

Bloomberg nhận định đây là thiệt hại chưa từng có đối với các công ty điều hành khách sạn Thái Lan.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tìm cách vực dậy nền kinh tế thông qua lãi suất thấp kỷ lục và hàng nghìn tỷ USD kích thích. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng thực hiện chương trình cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ, trong khi Israel triển khai lãi suất cho vay đặc biệt.

"Chương trình của Thái Lan rất độc đáo và hoạt động gần giống một tiệm cầm đồ. Các vị có thể gửi những món đồ giá trị để đổi lấy tiền mặt ngay lập tức", ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á tại Australia & New Zealand, bình luận. "Tôi chưa thấy bất cứ quốc gia nào nghĩ ra cách như vậy", ông nói thêm.

Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, chương trình mới sẽ cho phép khách hàng dùng chính khách sạn đang sở hữu để thanh toán những khoản vay không thể trả. Sau đó, chủ khách sạn có thể thuê lại hoặc mua lại tài sản trong vòng 5 năm với giá thỏa thuận.

"Cần có những biện pháp khẩn cấp và toàn diện để giúp các doanh nghiệp nhỏ trong ngành du lịch vượt qua khoảng thời gian khó khăn này", ông Kobsak Duangdee, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, khẳng định.

Tiem cam do anh 2

Lượng khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay dự kiến chưa tới 10% mức trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

"Đại dịch đã kéo dài hơn dự kiến của chúng tôi", ông nói thêm.

Chương trình mới được đưa ra trong thời điểm Ngân hàng Trung ương Thái Lan chật vật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ đại dịch. Trong số 500 tỷ baht (16,33 tỷ USD) được ngân hàng trung ương đưa ra nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ kể từ năm ngoái, chỉ khoảng 130 tỷ baht (4,3 tỷ USD) thực sự đến tay doanh nghiệp.

Nguyên nhân là nhiều ngân hàng thương mại không muốn cho vay với lãi suất thấp (ngân hàng trung ương giới hạn ở mức 2%), trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rủi ro vỡ nợ cao.

Chương trình giải cứu mới

Chương trình mới có thể được triển khai trong vòng hai tháng tới. "Các vấn đề nhạy cảm sẽ là giá chuyển nhượng và mua lại", ông Naris Sathapholdeja, một nhà kinh tế tại TMB Bank Pcl ở Bangkok, nhận định.

Theo chương trình, các công ty cầm cố khách sạn cho ngân hàng. Chính ngân hàng sẽ điều hành khách sạn, hoặc chủ sở hữu thuê lại tài sản từ ngân hàng và tiếp tục điều hành, sử dụng khoản vay lãi suất thấp của chính phủ để trả chi phí hoạt động. Trong vòng 5 năm, chủ khách sạn có thể mua lại tài sản từ ngân hàng với mức giá cụ thể.

Theo ông Naris, vào cuối năm 2020, tổng nợ của các nhà điều hành khách sạn vừa và nhỏ khoảng 252,2 tỷ baht (8,24 tỷ USD). Trong số đó, 7% được xếp vào nợ xấu và 13,5% có rủi ro tín dụng cao.

Ngay cả sau khi khách du lịch nước ngoài trở lại, các khách sạn này vẫn có thể chịu lỗ trong một thời gian.

Bất cứ biện pháp nào có thể giúp đỡ các khách sạn nợ nần - những công ty đang chịu ảnh hưởng nặng nề - sẽ có lợi cho toàn bộ hệ thống ngân hàng

Sarut Ruttanaporn, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Siam

"Hầu hết khách sạn ở các điểm du lịch quan trọng như Phuket và Samui đều bị ảnh hưởng nặng nề. Kể từ năm ngoái, khoảng 80% khách sạn trong số đó vẫn chưa thể mở cửa lại", bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, chia sẻ.

Theo bà, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã sa thải khoảng 50% lao động kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chủ sở hữu khách sạn có thể hoãn trả nợ cho đến khi đòi được tài sản bị cầm cố. Trong khi đó, chính phủ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho ngân hàng hoặc nhà điều hành vận hành khách sạn.

Theo Ngân hàng Thương mại Siam, nhà băng lớn nhất Thái Lan, họ chưa được trả khoảng 90% trong số khoản vay 80 tỷ baht (2,61 tỷ USD) của các nhà điều hành khách sạn.

Theo Chủ tịch Sarut Ruttanaporn, ngân hàng đã thành lập riêng một đội ngũ làm việc với các chủ khách sạn về kế hoạch xóa nợ. Giờ, nhà băng đang chờ thêm thông tin về chương trình mới để quyết định có tham gia hay không.

"Bất cứ biện pháp nào có thể giúp đỡ các khách sạn nợ nần - những công ty đang chịu ảnh hưởng nặng nề - sẽ có lợi cho toàn bộ hệ thống ngân hàng", ông khẳng định.

Hộ chiếu vaccine có thể cứu ngành du lịch toàn cầu?

Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng giúp nối lại các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai trên phạm vi toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Các nước Đông Nam Á làm gì để cứu ngành du lịch

Các nước Đông Nam Á tìm cách thúc đẩy du lịch nội địa nhằm bù đắp khoảng trống của du khách nước ngoài. Nhiều nước cũng cân nhắc "bong bóng" du lịch và hộ chiếu vaccine.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm