Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Các nước Đông Nam Á làm gì để cứu ngành du lịch

Các nước Đông Nam Á tìm cách thúc đẩy du lịch nội địa nhằm bù đắp khoảng trống của du khách nước ngoài. Nhiều nước cũng cân nhắc "bong bóng" du lịch và hộ chiếu vaccine.

Cac nuoc Dong Nam A anh 1

Theo New York Times, vào một buổi sáng thứ năm tại sân bay Changi của Singapore, 6 người ngồi gõ máy tính xách tay trên ghế ở khu vực Changi Lounge dành cho khách VIP. Trên các ghế khác dán dòng chữ: "Duy trì khoảng cách để giữ an toàn cho mọi người".

Cô Alyss Leow - một giám đốc nhân sự 36 tuổi - làm việc tại phòng chờ của sân bay 2-3 tuần/lần. Cô trả 200 USD cho khoảng ba tháng thuê địa điểm làm việc ở đây. "Có những hôm tôi không muốn làm việc ở nhà và đây là một nơi tuyệt vời", cô chia sẻ.

Dịch Covid-19 khiến lưu lượng hành khách tại sân bay Changi giảm gần 83% vào năm 2020. Hồi tháng 1/2020, 33.000 chuyến bay cất cánh từ Changi. Con số đó rơi xuống còn 7.500 chuyến trong tháng 1/2021. Để đối phó với tình trạng sụt giảm doanh thu, sân bay quyết định tập trung vào thị trường duy nhất.

Đó là cư dân Singapore. Ban lãnh đạo sân bay đã cung cấp dịch vụ glamping (kết hợp giữa "camping" và "glamorous", tức cắm trại nhưng đầy đủ tiện nghi), chuyển đổi Changi Lounge thành không gian làm việc chung. Sân bay còn mời các bậc cha mẹ đưa con cái đến ăn ngủ và tham quan giáo dục.

Cac nuoc Dong Nam A anh 2

Sân bay Changi chuyển Changi Lounge thành không gian làm việc chung để thu hút cư dân Singapore. Ảnh: Straits Times.

Đẩy mạnh du lịch nội địa

Du lịch là ngành công nghiệp quan trọng của phần lớn quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đã bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các lệnh hạn chế di chuyển và đóng cửa biên giới kéo tụt nền kinh tế khu vực. Trong năm 2020, GDP của Thái Lan sụt giảm 6,1%.

Trong khi đó, Singapore chứng kiến GDP lao dốc 5,4%. Giống sân bay Changi, ngành công nghiệp du lịch Singapore cũng tập trung vào thị trường nội địa trong bối cảnh các lệnh hạn chế di chuyển vì dịch Covid-19.

"Thách thức đặt ra là liệu Singapore có thể điều hướng số tiền 34 tỷ USD mà người dân chi cho các chuyến du lịch nước ngoài (vào năm 2018) sang du lịch trong nước hay không", ông Keith Tan, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB), nói với Zing trong cuộc phỏng vấn hồi cuối năm ngoái.

"Đó không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều người Singapore lo lắng về việc giữ việc làm và thu nhập. Chi tiêu để trải nghiệm không phải ưu tiên vào thời điểm này. Thêm vào đó, không lạ khi nghe cư dân Singapore nói rằng họ không còn gì để làm và xem ở đây", ông thừa nhận.

"Singapore có thể là một đất nước nhỏ bé so với các nước láng giềng trong khu vực. Nhưng thành phố của chúng tôi có những viên ngọc ẩn và nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Tôi tin rằng người dân địa phương sẽ muốn khám phá thêm và ủng hộ doanh nghiệp địa phương", ông Keith Tan nói thêm.

Cac nuoc Dong Nam A anh 3

Singapore áp dụng các sáng kiến công nghệ và biện pháp quản lý an toàn vào phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Today.

Với chiến dịch SingaporeRediscovers, Tổng cục Du lịch Singapore và hai cơ quan chính phủ đã thực hiện kích cầu thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ doanh nghiệp, cộng đồng, nền tảng thương mại điện tử và đại lý du lịch trực tuyến, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp địa phương.

Nước này còn tập trung nỗ lực vào việc khôi phục tổ chức các sự kiện MICE (du lịch kết hợp với hội họp, khen thưởng, triễn lãm và sự kiện). Singapore cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đơn phương mở cửa biên giới và đàm phán thỏa thuận đi lại song phương với các quốc gia an toàn.

Trước đó, Singapore đã có thỏa thuận nới lỏng hạn chế, thiết lập bong bóng du lịch bằng đường hàng không với Hong Kong và ban hành chính sách thẻ thông hành hàng không. Chính sách cho phép khách du lịch từ những quốc gia an toàn có thể nhập cảnh với mục đích du lịch - giải trí trong ngắn hạn mà không cần thực hiện cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, nước này đã hoãn thiết lập bong bóng du lịch với Hong Kong hồi cuối năm ngoái do tình hình dịch bệnh phức tạp tại Hong Kong.

Thái Lan cũng chuyển tập trung từ thu hút du khách nước ngoài sang đẩy mạnh du lịch nội địa. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã tổ chức các cuộc thảo luận để thực hiện chiến dịch kích cầu thông qua những ngày lễ địa phương của từng khu vực.

Bong bóng du lịch và hộ chiếu tiêm chủng

Mới đây, nội các Thái Lan thông qua kế hoạch tạo thêm 8 ngày nghỉ đặc biệt trong năm 2021 nhằm kích thích du lịch nội địa. Song song với thúc đẩy du lịch nội địa, Bộ Y tế Thái Lan sẽ cấp giấy chứng nhận vaccine cho những người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết giấy chứng nhận cho phép hành khách đi du lịch nước ngoài. Thái Lan cũng có kế hoạch giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách quốc tế từ 14 ngày xuống còn 7 ngày kể từ tháng 4. Các đề xuất sẽ được một ủy ban quốc gia thông qua vào tháng này.

Theo đề xuất, thời gian cách ly sẽ giảm còn 7 ngày đối với những du khách nước ngoài có giấy chứng nhận vaccine được cấp 14 ngày trước khi di chuyển, không sớm hơn ba tháng và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Nhà chức trách Thái Lan cũng xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19. Theo ông Anutin, những người mang hộ chiếu vaccine có thể được miễn cách ly hoàn toàn kể từ tháng 10.

Việc miễn cách ly vẫn là cách tốt nhất để hỗ trợ ngành du lịch

- Ông Puttipong Prasarttong-Osoth, Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Thái Lan

Thái Lan đặt cược vào sự hồi sinh của ngành du lịch để đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Lĩnh vực du lịch chiếm khoảng 20% GDP của đất nước này.

Ngành du lịch Thái Lan đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cách ly bắt buộc kể từ ngày 1/7 để mở cửa cho hàng triệu du khách đã được tiêm chủng. "Việc miễn cách ly vẫn là cách tốt nhất để hỗ trợ ngành du lịch", ông Puttipong Prasarttong-Osoth, Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Thái Lan, khẳng định.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha cho biết sau khi có tiêu chuẩn toàn cầu về hộ chiếu vaccine, Thái Lan sẽ điều chỉnh quy định cách ly đối với những du khách đã tiêm chủng. Ngoài ra, theo ông Anutin, Trung Quốc và Thái Lan có thể nhất trí về một thỏa thuận hộ chiếu vaccine điện tử song phương nhằm tạo bong bóng du lịch thúc đẩy nền kinh tế.

Trước đó, Thái Lan cũng tìm cách thu hút du khách nước ngoài thông qua thị thực đặc biệt. Du khách nước ngoài vẫn sẽ phải cách ly hai tuần khi đến Thái Lan, nhưng được ở trong những khách sạn hạng sang.

Cac nuoc Dong Nam A anh 4

Du khách đến Thái Lan có thể trải nghiệm hai tuần cách ly tại những khu nghỉ dưỡng sang trọng. Ảnh: Bloomberg.

Tại những khu nghỉ dưỡng sang trọng như Anantara Phuket Suites & Villas ở Thái Lan, du khách có thể trải nghiệm hai tuần cách ly trong biệt thự có hồ bơi và sân vườn riêng. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng mở cửa, Anantara và hàng trăm khu nghỉ dưỡng khác vẫn vắng khách.

Theo Thailand Longstay Company, trung bình mỗi tháng, chỉ 346 du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này bằng thị thực đặc biệt kể từ hồi tháng 10/2020. Con số đó thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 1.200 người của chính phủ. Trước đại dịch, số du khách đến Thái Lan mỗi tháng là 3 triệu người.

Du lịch nội khối

Theo dữ liệu của Ban Thư ký ASEAN, 51 triệu lượt khách du lịch trong khối ASEAN đã được ghi nhận vào năm 2019. Ngoài du lịch, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa các quốc gia cũng tạo ra nhu cầu di chuyển, đi công tác trên khắp khu vực.

Các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng đang cân nhắc chứng nhận vaccine Covid-19 kỹ thuật số nhằm phục hồi ngành du lịch. Việc mở cửa du lịch cho những du khách đã được tiêm chủng có thể giúp hồi sinh thị trường khu vực, vốn đón hơn 50 triệu lượt khách hàng năm trước đại dịch.

Đại diện của 10 quốc gia đã thảo luận về một chứng chỉ chung trong cuộc họp ASEAN Economic Ministers kéo dài hai ngày, theo ông Azmin Ali, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia.

Các bộ trưởng đã "chia sẻ những nỗ lực quốc gia về chương trình tiêm chủng" và nhất trí về sự cần thiết phải "đẩy nhanh việc thực hiện tiêm chủng" nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, theo ông Azmin.

Cac nuoc Dong Nam A anh 5

Du lịch nội khối cũng sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch tại các quốc gia thành viên ASEAN. Ảnh: Reuters.

"Các bộ trưởng kinh tế cũng cân nhắc về khả năng giới thiệu giấy chứng nhận vaccine kỹ thuật số chung, đặc biệt nhằm tăng tốc độ mở cửa các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như ngành du lịch", ông Azmin khẳng định.

Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số sẽ được sử dụng trên điện thoại thông minh, nhằm chứng minh một người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa. Hôm 8/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh Châu Âu sẽ đề xuất "Digital Green Pass" nhằm chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng.

Bà cho biết Digital Green Pass sẽ "tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người châu Âu".

Nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã phát động các chiến dịch tiêm chủng, bắt đầu từ nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi. Singapore dự kiến ​​tiêm phòng cho tất cả người lớn vào tháng 9, trong khi Indonesia có kế hoạch tiêm chủng cho 70% dân số đến tháng 3/2022.

Ấn Độ dẫn trước Trung Quốc trong cuộc đua vaccine Covid-19 giá rẻ

Cuộc đua tranh giành sức ảnh hưởng đối với các nền kinh tế mới nổi giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có một trận địa mới. Đó là vaccine ngừa Covid-19 giá rẻ.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm