Thái Lan ban bố tình trạng an ninh khẩn cấp
Lực lượng cảnh sát của đất nước chùa Vàng hôm qua phải thiết lập các biện pháp an ninh đặc biệt để đối phó với một cuộc biểu tình chính trị dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Bangkok.
Lực lượng cảnh sát Thái Lan được huy động và đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ để đối phó với cuộc biểu tình Pitak Siam. |
Cảnh sát đã được thông báo, hàng chục nghìn người sẽ tham dự cuộc biểu tình vào ngày mai tại Quảng trường Hoàng gia. Cuộc biểu tình này do nhóm những người bảo hoàng Pitak Siam đứng ra tổ chức với mục đích phản đối chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi giới tình báo Thái Lan báo cáo, những người khởi xướng cuộc biểu tình có mục đích “lật đổ chính phủ và các quy tắc dân chủ đồng thời sẵn sàng sử dụng bạo lực, chiếm đóng những nơi trọng điểm nhất, phá hoại các tài sản công cộng và thậm chí bất chấp tính mạng con người để đạt được mục tiêu”.
Các biện pháp an ninh đặc biệt cho phép chính phủ chặn bất cứ tuyến đường hoặc phương tiện nào, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập, kiểm ra đột xuất bất ngờ bất cứ tòa nhà hay trụ sở nào có dấu hiệu đáng ngờ. |
“Dựa trên thông tin tình báo của chúng tôi, cuộc biểu tình rất quy mô và tiềm ẩn các mối đe dọa cao với số lượng người tham gia biểu tình rất lớn”, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut cho biết.
Vì vậy, các biện pháp an ninh đặc biệt nằm trong khuôn khổ Đạo luật An ninh Nội địa (ISA) đã được áp dụng tại ba quận trọng yếu Phra Nakhon, Pomprap Sattruphai và Dusit của Bangkok.
Ngoài ra, các quan chức Thái Lan cho biết, gần 17.000 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn đầu tiên chống lại chính phủ mới tròn 16 tháng tuổi của bà Yingluck.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck lên truyền hình ban bố tình trạng an ninh khẩn cấp và trấn an người dân. |
Về phía Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Yingluck mạnh mẽ trấn an người dân bằng tuyên bố: “Chính phủ phải bảo vệ hệ thống dân chủ dưới chế độ quân chủ lập hiến. Trong bối cảnh này, các biện pháp an ninh thông thường sẽ không thể đảm bảo được điều đó”.
Nền chính trị đầy bất ổn của Thái Lan trong những năm gần đây thường xuyên rung chuyển bởi hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011, tình hình an ninh có vẻ đã trở lại trạng thái khá yên ổn nhưng lại bắt đầu bị đe dọa với cuộc biểu tình sắp tới.
Trước đó, vào năm 2010, các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập “Áo đỏ” kéo dài hai tháng ủng hộ Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã khiến chính phủ đương thời phải sử dụng các biện pháp đàn áp quân sự. Hậu quả là, 90 người chết và gần 1.900 người bị thương.
Phương Đăng
Theo Infonet